Hà Nội: Quý IV/2016, vận hành chính thức tuyến buýt BRT

Thứ sáu, 01/04/2016 08:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) là một trong 3 hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), do Sở GTVT Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án xây dựng thí điểm một tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt khối lượng lớn nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc giao thông (UTGT).

Tuyến buýt BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, dài 14,7 km và đi theo lộ trình Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa).

Được biết, buýt BRT là loại hình VTHKCC mới được triển khai thí điểm lần đầu ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng khá thành công ở rất nhiều nước trên thế giới. Để tạo thói quen đi lại của hành khách trước khi đưa buýt BRT vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đang triển khai tuyến buýt thường từ Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã chạy dọc theo hành lang tuyến BRT, với tần suất 30 phút/lượt vào tất cả các ngày trong tuần.

Theo ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển Giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội, vì nhiều lý do khác nhau, hiện hợp phần buýt BRT đang bị chậm tiến độ. Cụ thể, quá trình thực hiện phải điều chỉnh hướng tuyến cho phù hợp không trình với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (đoạn từ Khuất Duy Tiến - Quang Trung; Quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm; Mặt khác do loại hình VTHKCC này lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng cho loại hình này, trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế  phải vận dụng, tham khảo qui trình, qui phạm và các thiết kế của nước ngoài xong phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình trạng giao thông, đi lại cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (đặc biệt là sử dụng nhiều xe máy) của người dân Thủ đô… Do đó, quá trình thực hiện yêu cầu cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đến nay, dự án điều chỉnh đã được Bộ Xây dựng thẩm định, UBND TP Hà Nội phê duyệt, dự kiến hoàn thành 31/12/2016 theo đúng tiến độ của hiệp định gia hạn. Sự chậm trễ này đã được báo cáo giải trình khi trình gia hạn Hiệp định tín dụng và trình phê duyệt điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã tập trung khắc phục và chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hợp phần BRT trong năm 2016.

Cũng theo ông Hà, tính đến hết tháng 3/2016, hợp phần xe buýt BRT đã thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối Yên Nghĩa; hoàn thành 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; xây dựng cơ bản xong các hạng mục chính của  21/21 nhà chờ; lắp đặt xong thiết bị tại khu depot…

Hiện còn một số hạng mục đang thi công như: Cải tạo, mở rộng đường đoạn từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa; xây dựng bổ sung 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ; triển khai gói thầu mua sắm thiết bị thẻ vé, đoàn xe... Dự kiến, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và tiến hành chạy thử vào quý III/2016, Quý IV/2016 sẽ vận hành chính thức tuyến BRT.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)