Những năm qua, công tác tuyên truyền được tỉnh ta xác định là một trong những giải pháp cơ bản góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.
Ban ATGT tỉnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT
Một số ngành, địa phương còn thiếu chủ động, “giao khoán” cho một số đơn vị thực hiện, có nơi chỉ thực hiện một cách hình thức; chưa duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Nội dung tuyên truyền chưa bám sát thực tế địa bàn, chưa tập trung vào từng đối tượng, từng người dân… Để công tác tuyên truyền về ATGT được người dân tiếp thu, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động điều chỉnh hành vi, nghiêm túc chấp hành pháp luật, góp phần quan trọng vào giảm TNGT, năm 2016, tỉnh ta tập trung đổi mới công tác tuyên truyền về ATGT.
Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật ATGT, đặc biệt là thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” nhằm mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo Ban ATGT các địa phương, các thành viên tập trung triển khai công tác này theo nguyên tắc: bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo; chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng loại hình hoạt động của cơ sở, điều kiện sinh hoạt, công tác của đối tượng cần tập trung tuyên truyền và phải gắn với giải quyết những tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Lựa chọn đối tượng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tính tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật giao thông, ngoài việc tuyên truyền những quy định, quy tắc bảo đảm ATGT cần tuyên truyền cả các quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm.
Theo tinh thần chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, các ngành, các địa phương đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT. Sở TT và TT phối hợp với Ban ATGT tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: gồm trực quan, lưu động, loa phóng thanh; sử dụng thông điệp, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề ATGT. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo chuyên đề: kiểm soát tải trọng phương tiện; phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe; tuân thủ quy định tốc độ; đội mũ bảo hiểm; quy tắc an toàn khi vượt qua đường sắt; hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện thủy chở khách. Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước về trật tự ATGT giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT. Thực hiện các phóng sự, chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình theo các chủ đề khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người dân.
Sở GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh quản lý, giáo dục học sinh các cấp tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông; không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe và sau khi đã sử dụng rượu, bia. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban ATGT tỉnh và Sở GD và ĐT về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2013-2018. Tổ chức tập huấn pháp luật về giao thông đường bộ và lái xe mô tô an toàn cho học sinh lớp 12 tại một số trường cạnh các tuyến quốc lộ có tình hình trật tự ATGT phức tạp. Tiếp tục tham gia tích cực các cuộc thi trên internet “Giao thông thông minh”, “Giao thông học đường” cho học sinh tiểu học, THCS và THPT. Các ngành và các địa phương tập trung xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ATGT từ thôn, xóm, tổ dân phố đến cấp xã, phường, thị trấn.
Thành phố Nam Định và các thị trấn tiến hành lắp đặt hệ thống loa phát thanh tại các ngã ba, ngã tư... có đèn tín hiệu giao thông để tuyên truyền khi người tham gia giao thông dừng chờ đèn; đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến vào các buổi sinh hoạt của chi bộ, các tổ chức đoàn thể, thôn, xóm, tổ dân phố. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình xây dựng NTM, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mở các diễn đàn, tạo dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền ở nhóm đối tượng dễ tái phạm các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, nhóm người thường xuyên điều khiển phương tiện và nhóm đối tượng là lái xe khách. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa điểm thường xuyên xảy ra vi phạm, va chạm, TNGT…
Nhằm tăng tính răn đe, giáo dục người dân nghiêm túc chấp hành quy định bảo đảm trật tự ATGT, hai ngành GTVT và Công an tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm.