Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Trị có 8 Hợp tác xã (HTX) vận tải ô tô, tuy nhiên thời điểm hiện tại, ngoài HTX vận tải hành khách Vĩnh Linh đã chính thức đóng cửa, 7 HTX vận tải còn lại cũng đang trong tình trạng chật vật đối mặt với không ít thách thức để duy trì hoạt động. Phương tiện cũ, nguồn vốn ít, cạnh tranh khó khăn...chính là những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của các HTX vận tải đạt thấp.
Anh Văn Hữu Lộc là thành viên HTX vận tải ô tô Đông Hà từ nhiều năm nay. Sở hữu chiếc xe ô tô chở khách 24 chỗ đăng ký chạy tuyến Huế - Quảng Trị, mấy năm trở lại đây anh cũng như nhiều chủ xe khác hầu như lấy công làm lãi vì quá ít khách. Bình quân mỗi tháng xe anh xuất bến khoảng 17 -18 phiên, doanh thu cao nhất cũng chỉ đạt từ 5- 6 triệu đồng. Có những ngày xe rời bến không có một hành khách hoặc chỉ hai ba người nhưng vẫn buộc phải chạy, bởi mỗi phiên đều cố định đóng tiền lệnh theo quy định cho hai đầu bến (bến xe Đông Hà và bến xe phía Nam - thành phố Huế) là 90.000 đồng. Theo anh Lộc, trung bình mỗi năm, mỗi đầu xe phải chịu rất nhiều khoản chi phí như lệ phí, thuế môn bài, phí hộp đen, phí đường bộ, phí khám xe, phí vé qua trạm, tiền bến...trong khi hành khách thì ngày càng ít, chủ xe phải tính toán chật vật để bù lỗ. “Chúng tôi cũng thừa nhận là phương tiện đã quá cũ, không tiện nghi, chất lượng khiến hành khách kén chọn không muốn đi nhưng bây giờ nếu vay tiền mua mới xe thì quá khó”, anh Lộc phân trần.
Nhiều chiếc xe đìu hiu chờ khách tại bến
HTX vận tải ô tô Đông Hà hiện có 103 đầu xe các loại, trong đó vận tải hành khách tuyến cố định có 68 xe, 14 xe vận tải hành khách theo hợp đồng, 21 xe vận tải hàng hóa và 1 xe vận tải hành khách quốc tế. Mặc dù đã có nhiều tuyến nhưng thu nhập của thành viên, người lao động và lợi nhuận kinh doanh của HTX những năm gần đây giảm đáng kể. Có nhiều nguyên nhân như hầu hết các phương tiện đều đã cũ, không đáp ứng yêu cầu xe chất lượng cao của hành khách. Về điểm này, HTX cũng đã khuyến khích, vận động thành viên nâng cấp, đổi mới phương tiện nhưng rất khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng, cộng với tình trạng khách ngày càng ít nên các chủ xe không dám đầu tư vốn lớn mua xe mới. Đối với tuyến liên tỉnh như Đông Hà - Huế, nguyên nhân khiến các xe tham gia HTX xuất hành từ bến xe theo đúng quy định không thể cạnh tranh, thu hút khách là bởi tình trạng “xe dù”, “bến cóc” hoạt động ngày càng tinh vi và xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn.
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có không dưới 15 chiếc xe hợp đồng chở khách vào nội thành thành phố Huế theo cơ chế đón khách tại nhà, trả tại địa điểm khách yêu cầu, nhất là dịch vụ đưa đón hành khách có nhu cầu đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở Huế. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Đông Hà có hơn 10 chiếc xe dịch vụ như thế này khiến lượng khách đi Huế từ bến xe giảm sút mạnh. Tại bến xe Đông Hà hiện có 19 đầu xe chạy tuyến Huế - Đông Hà và ngược lại, trong đó có 10 xe của HTX vận tải ô tô Đông Hà và 9 xe thuộc quản lý của Công ty ô tô số 1. Trung bình cứ 30 phút có một chuyến xuất bến, tính ra mỗi ngày có khoảng 12 chuyến, tuy nhiên lượng khách thực tế lại vô cùng ít. Hành khách ngại về bến vì lý do xe chỉ vào đến bến xe phía Nam thành phố Huế, phải mất thêm một lần di chuyển vào nội thành, chưa kể số lượng khách bị san sẻ do các xe ngoài tỉnh đi ngang qua đón khách dọc đường, chất lượng xe không tốt...
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Giáp, Phó Giám đốc HTX vận tải ô tô Đông Hà cho biết: “Tuyến vận tải không công bằng, thị trường tuyến cố định bị chia thị phần, số lượng khách bị san sẻ, cộng với các yếu tố khách quan như vị trí bến xe không thuận lợi cho hành khách chính là những nguyên nhân khiến hoạt động vận tải ngày càng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, chức năng của các HTX vận tải chủ yếu là cung cấp cho thành viên những khâu dịch vụ như đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, thực hiện các nghĩa vụ thuế, xử lý rủi ro, còn thành viên tự quản lý phương tiện vận tải, tìm nguồn khách nên rất bị động trong kinh doanh”.
Việc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải ngày càng trở nên quyết liệt, gay gắt bởi lực lượng doanh nghiệp vận tải tư nhân phát triển mạnh về số lượng phương tiện, kể cả chất lượng và cung cách phục vụ. Muốn hoạt động hiệu quả, bản thân các HTX vận tải phải tiếp tục đổi mới cách làm, tăng khả năng cạnh tranh bằng chất lượng phương tiện và dịch vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thành viên HTX vận tải vay vốn đổi mới phương tiện với lãi suất ưu đãi nhằm tạo động lực phát triển cho HTX vận tải trong điều kiện nhiều khó khăn như hiện nay.