Hưng Yên: Vận tải đường thủy chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ năm, 28/04/2016 14:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Trên địa bàn tỉnh có gần 100km tuyến sông Trung ương là sông Hồng và sông Luộc và 113 km đường thuỷ nội tỉnh.

Với mạng lưới đường thủy nội địa thuận lợi cho giao thương hàng hóa, vận chuyển khách, đến nay ở các địa phương trong tỉnh đã hình thành hơn 60 bến bốc xếp hàng hóa, vật liệu. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa phát triển đã góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm tải cho mạng lưới giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, lưu lượng phương tiện vận tải trên sông Luộc trung bình có 250 - 300 lượt phương tiện/ngày đêm, chủ yếu có tải trọng 300 - 400 tấn, ngoài ra còn những đoàn tàu lai đẩy có trọng tải 1.600 - 2.000 tấn. Trên sông Hồng, trung bình có khoảng 150 - 200 lượt phương tiện/ngày đêm.

Sông Luộc qua địa bàn tỉnh dài khoảng 28km. Đây là tuyến giao thông đường thủy nội địa hoạt động khá tấp nập của các phương tiện chở than, vật liệu xây dựng từ các tỉnh vào và trung chuyển qua địa bàn tỉnh. Nhờ khai thác được vận tải trên sông nên giá thành về than, đá, vật liệu xây dựng tại các bến, bãi dọc sông Luộc giảm đáng kể so với hình thức vận tải bằng đường bộ. Trên hai hệ thống sông Hồng, sông Luộc, phần lớn phương tiện vận tải là tự hành, một số ít là tàu đẩy. Mỗi đầu tàu đẩy thường đẩy 4 xà lan có tổng trọng tải hơn 1.200 tấn hàng hóa. Trong khi luồng chạy tàu trên sông Luộc chỉ có 30m, trên sông Hồng là 40m, do vậy việc di chuyển của các tàu đẩy tại khu vực ngã ba Cửa Luộc gặp khó khăn. Ngoài ra, thời gian gần đây, hoạt động không phép của nhiều phương tiện, bến bãi dọc sông Luộc đang là trở ngại lớn, gây mất an toàn cho các phương tiện vận tải trên sông…

Phát triển vận tải hàng hóa, hành khách trên tuyến giao thông đường thủy nội địa là một trong những yếu tố góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm tải cho mạng lưới giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, tiềm năng về giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả, hoạt động vận tải thủy trong những năm qua mới chỉ đạt khoảng 30% - 50% tiềm năng.

Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, các bến bốc xếp hàng hóa phân tán và thiếu đồng bộ; các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vận tải đường thủy năng lực tài chính còn yếu, cùng với đó là phương tiện lạc hậu; các tuyến sông còn thiếu sự kết nối. Ngoài ra, mực nước trên các tuyến sông ngày càng thấp ảnh hưởng lớn đến lưu thông của các phương tiện vận tải thủy…
Với mục tiêu giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, khai khác hiệu quả tiềm năng hệ thống giao thông đường thủy nội địa, tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, sẽ nâng cấp kết cấu hạ tầng tuyến sông địa phương đạt tiêu chuẩn cấp IV, cải tạo các âu thuyền trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; xây dựng cảng sông trên sông Hồng và sông Luộc đạt công suất từ 150 nghìn - 350 nghìn tấn/năm, các bến sông địa phương đạt công suất 50 nghìn - 100 nghìn tấn/năm.

Trong quy hoạch phát triển vận tải hàng hóa, cùng với luồng hàng hóa liên tỉnh giữa Hưng Yên và các tỉnh trong cả nước thông qua các tuyến đường giao thông đường bộ, tuyến vận tải thủy nội địa trên sông Hồng, sông Luộc và một số tuyến sông địa phương như các sông: Bắc Hưng Hải, Cửu Yên, Điện Biên và sông Chanh được quan tâm quy hoạch phát triển.

Trong vận tải hành khách, cùng với việc tập trung chủ yếu vận tải bằng đường bộ; để phát huy lợi thế vận tải thủy trên hệ thống sông Hồng, sông Luộc kết hợp với du lịch, tỉnh tập trung nghiên cứu phát triển tuyến vận tải thủy, vận tải khách từ Hưng Yên đến Hà Nội trên sông Hồng kết hợp du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên bàn tỉnh dọc tuyến sông. Đồng thời có các biện pháp tổ chức, quản lý chặt chẽ các tuyến vận chuyển hành khách bằng đò ngang hiện tại trên nguyên tắc bảo đảm an toàn và chất lượng.

Trong quy hoạch luồng tuyến, tuyến sông Hồng có chiều dài 64km được quy hoạch sông cấp I; tuyến sông Luộc với chiều dài 28km được quy hoạch sông cấp II; các tuyến sông địa phương quản lý như sông: Bắc Hưng Hải, Cửu Yên, sông Chanh được cải tạo, nâng cấp bảo đảm cho tàu trọng tải 200 - 250 tấn lưu thông; tuyến sông Điện Biên, Tam Đô bảo đảm cho tàu trọng tải 150 tấn lưu thông. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống sông Bắc Hưng Hải; nâng cấp hệ thống các âu thuyền trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải gồm: Xuân Quan, Báo Đáp, Kênh Cầu, Lực Điền; đồng thời nâng cấp, cải tạo nạo vét luồng tuyến các sông Cửu Yên, Điện Biên, sông Chanh, Tam Đô bảo đảm cho tàu lưu thông theo quy hoạch. Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải, tỉnh ưu tiên quy hoạch các cảng và bến sông; xây dựng cảng Mễ Sở (Văn Giang) và cảng hỗn hợp Hưng Yên trên sông Hồng có công suất 350 nghìn tấn/năm, bảo đảm tiếp nhận tàu trọng tải 1 nghìn tấn; xây dựng cảng Triều Dương (Tiên Lữ) trên sông Luộc có công suất 300 nghìn tấn/năm, bảo đảm tiếp nhận tàu trọng tải 400 tấn; xây dựng 22 bến bốc xếp vật liệu xây dựng trên hệ thống sông Trung ương và địa phương; xây dựng bến tàu khách tại thành phố Hưng Yên và xã Bình Minh (Khoái Châu). Vận tải đường sông được quy hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo để đến năm 2020 khối lượng vận tải hàng hóa đường sông đạt 4,4 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong cả giai đoạn là 9%; khối lượng vận chuyển hành khách đường sông đến năm 2020 đạt 2,5 triệu lượt khách… 

kimcuc

Nguồn: Báo Hưng Yên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)