Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, cơ quan chức năng đã tiến hành đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh và đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, hiện nay một số cửa hàng kinh doanh MBH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại công khai bày bán nhiều loại MBH không đạt chuẩn và tình trạng người dân đội MBH kém chất lượng lại tái diễn.
Một điểm bán mũ bảo hiểm trước cổng chợ Nam Thành (TP Thanh Hóa).
Thanh Hóa hiện không có cơ sở sản xuất MBH. Ở mỗi huyện, thị xã có từ 5 đến 7 cửa hàng kinh doanh MBH, riêng TP Thanh Hóa có gần 20 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Các loại MBH đang được bày bán trên thị trường chủ yếu do các cửa hàng kinh doanh nhập về từ các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc... Năm 2015, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa đã kiểm tra tại 7 cơ sở kinh doanh MBH; quý 1/2016 kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh MBH trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Xuân, Tĩnh Gia, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các loại MBH đang được kinh doanh đều đã có chứng nhận phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN, có tem CR và ghi nhãn hàng hóa đúng quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, nhiều cơ sở vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu theo quy định, như: Chưa cung cấp cho chính quyền địa phương bản sao các tài liệu liên quan đến chất lượng MBH; nhiều cơ sở không có hợp đồng mua bán và bản sao chất lượng sản phẩm; vẫn còn 2 cơ sở kinh doanh MBH nhãn hiệu INDEX chưa được chứng nhận phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN là cửa hàng MBH Đông Anh và cửa hàng MBH Lâm Hoài (TP Thanh Hóa). Một số cửa hàng bán MBH nhập từ Thái Lan theo con đường tiểu ngạch không được chứng nhận hợp quy; MBH Trung Quốc vẫn xuất hiện trên thị trường; nhiều MBH có quai đeo không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng...
Tìm hiểu thực tế tại các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh MBH trên địa bàn TP Thanh Hóa như Lê Hoàn, Nguyễn Trãi, Trần Phú... cho thấy, bên cạnh mũ đạt chuẩn, các cửa hàng vẫn buôn bán MBH kém chất lượng dưới danh nghĩa mũ thời trang. Những chiếc mũ này chỉ có hai lớp, một lớp nhựa mỏng bên ngoài và một lớp vải lót bên trong. Khó nhận biết hơn, có loại được thiết kế 3 lớp là nhựa, xốp, vải nhưng theo cơ quan chức năng vẫn không đủ để bảo vệ an toàn. Đây là mũ dành cho người đi xe đạp chứ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy nhưng nhiều người tiêu dùng lại mua sản phẩm này để dùng như MBH. Giá cả loại mũ này rẻ hơn rất nhiều so với mũ đạt tiêu chuẩn, chỉ từ 30.000 đến 50.000 đồng, người dân đã có một chiếc mũ để đối phó với lực lượng công an khi tham gia giao thông.
Lâu nay, do nhận thức về hậu quả và nguy cơ đe dọa tính mạng khi đội MBH kém chất lượng của người sử dụng chưa cao nên những chiếc mũ thời trang vẫn thịnh hành và bán rất chạy, nhất là cho giới trẻ. Một phụ nữ bán MBH vỉa hè, trước cổng chợ Nam Thành (TP Thanh Hóa) cho hay: “Cứ 10 người mua MBH thì có tới 8 người chọn mũ thời trang. Vừa đẹp, vừa rẻ, phù hợp với sở thích của các bạn trẻ và có mất cũng không tiếc. Hơn nữa, việc đội mũ thời trang khi tham gia giao thông cũng chưa thấy bị xử phạt”. Có cầu ắt có cung, còn người mua thì sẽ có người bán, điều này rất dễ được lý giải.
Việc sử dụng MBH kém chất lượng hoặc mũ thời trang có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người khi tham gia giao thông. Các bác sĩ cho rằng, sử dụng MBH không đạt chuẩn sẽ làm tăng nguy cơ bị chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông. Không những thế, MBH kém chất lượng cũng có thể vỡ ra thành vật nhọn và gây thương tích cho chính người sử dụng. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2015, bệnh viện đã tiếp nhận 2.099 bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông; từ tháng 1/2016 đến 18/4/2016, bệnh viện tiếp nhận 696 bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông. Trong số đó có không ít trường hợp chấn thương sọ não do không đội MBH đạt chuẩn.
Để loại bỏ MBH kém chất lượng ra khỏi thị trường, ông Nghiêm Quý Tuấn, trưởng phòng quản lý tiêu chuẩn chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Thanh Hóa cho biết: Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cửa hàng nhập khẩu, kinh doanh MBH vi phạm về chất lượng. Ông cũng cho rằng, chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã “tiếp tay” cho hoạt động kinh doanh MBH kém chất lượng, mũ thời trang tồn tại. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức khi mua và sử dụng MBH đạt chuẩn. Để mua được MBH đạt chuẩn, người sử dụng nên chọn loại mũ có ghi rõ địa chỉ và tem CR của nhà sản xuất; dây quai mũ chắc chắn, khóa mũ hoạt động tốt, mũ phải cứng, không bị lõm khi ấn...