Hà Nội: Nhiều nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường thủy nội địa

Thứ tư, 11/05/2016 13:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/5, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả đợt tổng kiểm tra, tập trung xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa; khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép và các vi phạm về đê điều trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng -Trưởng Ban chỉ đạo 197 dự và chỉ đạo hội nghị.

“Cát tặc” vẫn lén lút hoạt động

Trong những tháng đầu năm 2015, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa và các vi phạm về đê điều trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông, làm bến, bãi trung chuyển trên các tuyến sông ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của dòng chảy. Các vi phạm về hành lang bảo vệ đê điều và xe vận tải hoạt động quá tải trọng làm ảnh hưởng đến hạ tầng đê điều là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa và gây mất ANTT trên địa bàn TP.

Trước  tình hình đó, tháng 3/2015, Công an TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, tập trung xử lý các vi phạm nêu trên. Qua một năm triển khai, tình hình an toàn đường thủy nội địa có nhiều chuyển biến tích cực. Các vi phạm trên lĩnh vực đường thủy nội địa và đê điều cơ bản đã được kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Lực lượng công an TP đã kiểm tra, xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, xử phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng, tạm giữ và tịch thu nhiều tang vật, phương tiện liên quan; xử lý 538 trường hợp xe tải vi phạm về trật tự ATGT trên các tuyến đường đê; xử lý 143 vụ, 202 đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Tạm giữ  179 tàu thuyền các loại, 2 máy xúc, tịch thu 6 tàu, thuyền, 109 đầu nổ, 109 sên vòi hút cát…

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các bến khách ngang sông còn nhiều phức tạp với các hành vi vi phạm chủ yếu như: chở phương tiện ô tô trái phép, hành khách không mặc áo phao, thiếu dụng cụ cứu sinh, cứu đắm… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn lén lút diễn ra tại khu vực giáp ranh Hà Nội. Ngoài ra, còn một số hạn chế như: công tác quản lý đất ven sông còn bị buông lỏng dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích làm bãi chứa và trung chuyển diễn ra còn nhiều phức tạp. Một số đối tượng lợi dụng việc thi công các công trình trên sông, nạo vét chỉnh, trị luồng, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông để khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép…

Sẽ có cơ chế đặc thù cho lực lượng chức năng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng khẳng định, vấn đề đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trong thời gian qua đã có kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, cát sỏi, đê điều vẫn còn nhiều tồn tại. Công tác tham mưu, xử lý các vi phạm vẫn còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong thời gian tới, UBND TP sẵn sàng hỗ trợ, xin cơ chế đặc thù cho Công an Thủ đô hoạt động nhằm đạt được kết quả cao nhất công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Phó Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, trong đó lĩnh vực đê điều là Sở NN&PTNT; khai thác cát sỏi là Sở TN&MT; ATGT đường thủy là Công an Thủ đô, Sở GTVT… để tập trung quản lý, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc quyết liệt nhằm quản lý hành lang đê thuộc địa phận quản lý của mình…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP, Đại tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh, Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết đối với những tập thể, cá nhân có bến bãi theo đúng quy định hoạt động trong phạm vi phạm luật cho phép; tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, bến bãi, vật liệu xây dựng… Cùng với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan đến ATGT đường thủy nội địa, bảo vệ đê điều; nghiên cứu khảo sát lộ trình xây dựng các điểm tập kết vật liệu xây dựng cũng như các bến bãi tạm giữ phương tiện.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)