Tỉnh lộ 515 được tỉnh Thanh Hoá xuất trên 10 tỉ đồng từ ngân sách nâng cấp đoạn từ ngã ba Chè đi Thiệu Toán (huyện Thiệu Hoá) năm 2008. Đến năm 2012, con đường bắt đầu xuống cấp do hoạt động khai thác cát. Đến nay, dù lãnh đạo tỉnh đã ra văn bản dừng khai thác nhưng một số đơn vị vẫn cố tình khai thác khiến con đường ngày càng tan nát.
Nát đường vì khai thác cát
Dọc đoạn đường hơn 10km từ Ngã Ba chè tới xã Thiệu Toán là những ổ gà, ổ voi còn nhiều hơn là nhà dân hai bên đường. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá khi đoạn đường tại đây mùa hè thì bụi bay ngập trời, bám vào nhà cửa, cây cối của người dân, mùa mưa chẳng khác gì ruộng cày.
Ông Phạm Đình Lam, Phó Chủ tịch xã Thiệu Toán cho rằng: “Đường như vậy là do lưu lượng xe tải chở cát từ bãi cát số 15 và trên Thọ Xuân qua xã với mật độ dày đặc nên mới nhanh thế. Xã có giao cho ban công an dựng rào chắn để ngăn chặn xe tải đi qua, thậm chí ban đêm cũng có người gác nhưng do sự thiếu trách nhiệm từ cán bộ được giao, và cái khó ở chỗ trên đê (ngay cổng ra của bãi cát số 15) đã có tổ công an của huyện đứng làm nhiệm vụ nên công an xã mới buông lỏng công tác giám sát”.
Nhiều năm qua, người dân khốn khổ khi phải sống chung với tình trạng xe chở cát ùn ùn đi qua suốt đêm ngày. Dân đã viết đơn lên xã, xã đã phản ánh lên huyện nhưng chưa có kết quả. Đỉnh điểm của sự việc là người dân vác đá ra đường và đứng chặn xe chở cát hồi đầu năm 2016 vì quá bức xúc. Không chỉ người dân, mà các thầy cô giáo, các em học sinh cùng doanh nghiệp xe bus Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng. Xe bus số 09 phải bỏ tuyến đi qua xã Thiệu Toán. Thầy Nguyễn Ngọc Anh – Trường THCS Thiệu Toán cho biết: “Con đường này quá xấu, mấy năm gần đây các em học sinh không dám đi nữa, vì ngã xe, bụi mù và phải “nhường đường” cho xe tải nên các em đã chọn đi đường vòng tới trường dù xa hơn, các thầy cô cũng phải thay đổi giờ sớm hơn để kịp giờ dạy” . Thầy Anh còn tếu táo: “Nhờ con đường mà cả tháng không phải đánh giày, vì có đánh thì đi đường này nó lại bẩn như cũ”.
Con đường dân sinh được xây dựng bằng hàng chục tỉ đồng ngân sách đã bị các DN khai thác cát cày nát
Đã cấm vẫn làm
Trước tình hình đó ngày 23/3/2016, UBND huyện Thiệu Hóa ra công văn số 262a/UBND-TNMT yêu cầu chi nhánh Công ty CP ĐTPT T&D Hà Nội tại Thanh Hóa dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ số 15, xã Thiệu Toán, xã Thiệu Minh từ ngày 25/3, tạm dừng hoạt động tập kết cát đối với 2 bãi tập kết có nguồn gốc từ mỏ cát số 15 từ ngày 25.3, chỉ được tiêu thụ hết số cát đang tập kết trên bãi.
Ngay sau đó, ngày 6/4, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 3043/UBND-CN yêu cầu Công ty CP ĐTPT T&D dừng hoàn toàn việc khai thác tại mỏ cát trên, thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo và thực hiện môi trường đất đai theo quy định.
Vậy nhưng đến đầu tháng 5, ghi nhận của phóng viên có mặt tại bãi cát số 15, thì tại đây vẫn còn tình trạng tập kết và khai thác cát từ Công ty CPĐTPT T&D. Luôn có gần chục tàu chở cát, thay phiên nhau đưa cát lên bãi, không những thế, các xe tải vẫn ra vào bãi cát để vận chuyển dù tần suất có giảm đi.
Không những không dừng khai thác, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển T&D Hà Nội tại Thanh Hóa tự ý xây nhà kiên cố tại bãi tập kết là sai quy định. Để lách luật và có thể tiếp tục khai thác, Công ty T&D đã chuyển nhượng lại cho Công ty Hải Lam bãi tập kết số 2 (bãi cát số 15 có 3 bãi tập kết nhỏ). Theo ông Lê Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán: “Công ty T&D không được phép tập kết cát tại đó, nhưng từ lâu họ đã bắt tay với Công ty Hải Lam để khai thác”.
Trước đó, ngày 30/3/2016, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa Đường tỉnh 515 đoạn Km0-Km11+700 (ngã ba Chè đi xã Thiệu Vận, Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) với dự kiến mức đầu tư 20 tỉ đồng từ nguồn Quỹ bão trì đường bộ Trung ương cấp bổ sung (ngoài nguồn 35%) về quỹ bảo trì đương bộ tỉnh Thanh Hóa.
20 tỉ đồng sẽ làm cho con đường không còn ổ gà, ổ trâu, thầy trò có thể đến trường ít bui bặm. Nhưng không biết con đường đó sẽ bằng phẳng được bao lâu nếu tình trạng khai thác cát tràn lan không được chấm dứt.