Cao Bằng: Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ

Thứ hai, 30/05/2016 07:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong xu thế kinh tế phát triển, Cao Bằng đang tập trung xây dựng Khu hợp tác phát triển kinh tế Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) thành đầu mối giao lưu từ Việt Nam và các nước ASEAN sang Trung Quốc và ngược lại, điều này đòi hỏi cần xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ phù hợp, chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh, cũng như nhu cầu vận tải quốc tế thông qua tỉnh.

Đường ra lối mở Nà Lạn, Cửa khẩu Đức Long (Thạch An) đã được đầu tư nâng cấp. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, tỉnh đã chủ động đề xuất với Bộ GTVT và đã được đồng ý chủ trương về triển khai điều chỉnh Quy hoạch tuyến QL 3 (đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đến Tà Lùng - Cao Bằng); bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng; triển khai nâng cấp QL 4A (đoạn thuộc địa phận Lạng Sơn) theo quy mô đường cấp IV miền núi. Hoàn thành đầu tư QL 34 đoạn Khau Đồn - Nguyên Bình. Các tuyến đường tỉnh (ĐT): 206, 202, 207, 204, 209... đã được đầu tư nâng cấp. Hoàn thành đầu tư tuyến ĐT 206 đoạn thị trấn Quảng Uyên - thị trấn Trùng Khánh, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV theo quy hoạch. Các tuyến đường ra lối mở Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An) và lối mở Nà Đoỏng, Cửa khẩu Trà Lĩnh, đường Hồ Chí Minh ra Cửa khẩu Sóc Giang, QL 3 đến Cửa khẩu Tà Lùng; các tuyến đường từ thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) đến Cửa khẩu Lý Vạn, Cửa khẩu Thị Hoa; đường ra lối mở Trúc Long, Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng) cũng được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu lưu thông phương tiện vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh.

Toàn tỉnh Cao Bằng đã huy động 1.873 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, 1.336,72 tỷ đồng ngân sách Trung ương; 102,038 tỷ đồng ngân sách địa phương; 182,272 tỷ đồng vốn ODA; 115,922 tỷ đồng vốn huy động xã hội; nhân dân đóng góp 135,85 tỷ đồng. Hoàn thành xây dựng mới 435 km; cải tạo, nâng cấp 414 km, trong đó láng nhựa hoàn thành 319 km đường huyện. Xây dựng mới 285,7 km, cải tạo, nâng cấp 10,5 km đường xã. Xây dựng 702,1 km đường thôn xóm, trong đó bê tông hóa 292,9 km. Xây dựng 8 cầu treo, cải tạo 5 cầu treo; xây dựng và cải tạo 61 cầu bê tông trên các tuyến ĐT, huyện và đường xã.

Mặc dù được đầu tư khá lớn nhưng mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn chưa đồng bộ, chủ yếu mới chỉ kết nối được từ trung tâm tỉnh đi Hà Nội và trung tâm tỉnh đi các huyện, hệ thống giao thông liên kết ngang giữa các huyện chưa được chú trọng đầu tư; công tác quy hoạch phát triển GTVT chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; nguồn vốn đầu tư cho xây dựng giao thông còn hạn hẹp; công tác tổ chức quản lý, bảo trì các công trình chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý hành lang an toàn giao thông còn buông lỏng, chưa được chú trọng.

Cao Bằng hiện có 5 tuyến QL với tổng chiều dài 536km, đạt quy mô từ cấp V miền núi đến cấp IV miền núi phục vụ kết nối Cao Bằng với các tỉnh khác  được thiết kế với tải trọng và lưu lượng xe hạn chế. Hiện nay, mặt đường tuyến QL 3 mới được đầu tư đã có hiện tượng xuống cấp; các phương tiện lưu thông trên tuyến QL 4A cũng rất khó khăn, mất an toàn giao thông và dễ xảy ra ách tắc giao thông. Nguyên nhân là do quy mô và kết cấu đường không đáp ứng được lưu lượng xe tăng nhanh trong những năm gần đây phục vụ cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc...

Mạng lưới giao thông đối nội có tổng chiều dài khoảng 4.000km, trong đó, 484km ĐT, chủ yếu từ cấp IV đến cấp VI miền núi và giao thông nông thôn loại A, trong đó 340km đã rải nhựa, 144km có mặt đá dăm hoặc cấp phối. Hiện nay, một số tuyến ĐT đã hư hỏng nặng làm ảnh hưởng đến chất lượng vận tải phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh có gần 131km đường đô thị, chủ yếu tại thành phố Cao Bằng, trong đó khoảng 50% là mặt đường nhựa và bê tông xi măng, 50% là mặt đường đá dăm, cấp phối và đất. Hơn 1.000 km đường huyện có mặt đường hẹp, kết cấu mặt đường mỏng, hệ thống thoát nước còn thiếu nhiều dẫn tới nền mặt đường bị xói lở trong mùa mưa; hệ thống biển báo, cọc tiêu, thiết bị phòng hộ chưa có gây mất an toàn giao thông. Khoảng 2.400km đường xã nhưng mặt đường còn nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất và đường cấp phối. Giao thông tĩnh chưa được đầu tư đồng bộ, chỉ có 4 bến xe và 3 bãi đỗ xe.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khoá XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ phù hợp, chất lượng ngày càng cao là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể như cải tạo, nâng cấp các tuyến QL đáp ứng nhu cầu GTVT hàng hóa, hành khách. Bổ sung sân bay nằm trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển GTVT hàng không; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với nhu cầu và đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH địa phương. Đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; nâng cấp một số tuyến đường tuần tra biên giới đạt quy mô đường cấp VI miền núi; nâng cấp, mở rộng một số tuyến ĐT trọng yếu, các tuyến đường ra cửa khẩu, các tuyến đường gắn với phát triển du lịch đạt từ cấp IV miền núi trở lên; nâng cấp một số tuyến đường đến trung tâm xã thành đường huyện nhằm kết nối giao thông với các tỉnh lân cận. Xây dựng hệ thống bến xe, kho, bãi tập kết hàng hóa, bãi để xe ô tô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, đảm bảo ít nhất mỗi thị trấn có 1 bến xe. Phấn đấu đường huyện 100% và tối thiểu 80% đường trục xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; 60% đường thôn bản được cứng hóa, đạt loại B giao thông nông thôn trở lên; 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt tiêu chuẩn cấp C.

Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết: Với tỉnh nghèo như Cao Bằng, việc phát triển hạ tầng giao thông khó khăn nhất là huy động được các nguồn lực đầu tư. Ngành sẽ tập trung kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tập trung Trung ương, các nguồn vốn ODA như vay ADB, WB... Đối với các tuyến QL, tỉnh sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Bộ GTVT để tập trung cải tạo nâng cấp QL 4A Cao Bằng - Lạng Sơn, QL 34 đoạn Nguyên Bình - Ca Thành và đèo Mã Phục - Cửa khẩu Trà Lĩnh. Với các tuyến tỉnh lộ, sử dụng nguồn vốn trung hạn do Trung ương hỗ trợ ưu tiên đầu tư cải tạo nâng cấp ĐT 207 Quảng Uyên - Hạ Lang, ĐT 216 Hòa An - Lương Can (Thông Nông). Lồng ghép nguồn vốn của Bộ Quốc phòng để đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ để duy tu bảo dưỡng các tuyến đường hiện có, tăng cường huy động sức dân để phát triển giao thông nông thôn.   

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)