Nam Định chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ năm, 02/06/2016 08:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2015, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình TNGT so với cùng kỳ năm trước chưa được kiềm chế, vẫn còn tăng về số vụ, số người chết; số người bị thương mới chỉ giảm 0,7%. Do vậy, ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT. Nhờ đó, trong 5 tháng đầu năm, đã tạo được bước chuyển biến tích cực, góp phần kiềm chế, giảm dần số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Nam Định
bảo đảm ATGT trên QL10, đoạn qua Đền Trần trong dịp Lễ hội Trần 2016

Trong đó, đội ngũ lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã, phường đều tự giác nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ban ATGT Thành phố Nam Định đã thành lập đoàn kiểm tra, hằng tuần đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Định kỳ hằng tháng UBND các huyện đều tổ chức họp giao ban về công tác trật tự ATGT do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND chủ trì kết luận chỉ đạo. Nhờ đó lãnh đạo các cấp đã nắm bắt kịp thời tình hình, chỉ đạo giải quyết các vấn đề nóng, hoặc mới phát sinh trên lĩnh vực trật tự ATGT, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền, ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của người dân. Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố đã xây dựng hàng chục chương trình, kế hoạch thiết thực như: tổ chức Tuần lễ ATGT đường bộ; tăng cường xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm; kế hoạch tuyên truyền đợt cao điểm xử lý vi phạm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm tốc độ, xe quá tải...; các chương trình phối hợp hành động với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...

Ngành GTVT huy động tối đa nguồn kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành GTVT còn chú trọng rà soát, thay thế hệ thống biển báo hiệu trên các tuyến đường tỉnh và đường đô thị; tiếp tục rà soát, đầu tư, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên hệ thống đường giao thông nông thôn. Đẩy mạnh xác định và xử lý các vị trí nút giao, điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT có nguyên nhân do hạn chế tầm nhìn. Hiện trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh không còn “điểm đen” về TNGT, chỉ còn 9 điểm mất ATGT do khuất tầm nhìn, Sở GTVT đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục, điều kiện để Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án xử lý. Công tác kiểm tra tải trọng phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên đường, gây hư hỏng mặt đường và gây mất ATGT được thực hiện quyết liệt. Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần; tại các tuyến huyện, lực lượng chức năng các địa phương tích cực sử dụng cân xách tay để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm. Công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách được chú trọng và thực hiện thường xuyên thông qua phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình; hoàn tất lập quy hoạch và tăng cường quản lý chặt chẽ luồng tuyến vận tải; phối hợp quản lý hệ thống bến xe. Nhờ đó, công tác quản lý vận tải đã và đang đi vào nền nếp và ngày một chuyên sâu hơn dưới sự điều tiết và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong các chiến dịch phục vụ cao điểm như kỳ nghỉ Tết âm lịch, các lễ hội đầu xuân, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và các sự kiện chính trị trọng đại... đều  bảo đảm đủ phương tiện, an toàn tuyệt đối cho tất cả hành khách. Ngành Công an tập trung đổi mới phương pháp tuần tra, kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề, đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trật tự ATGT tại các vùng nông thôn, các tuyến đường trọng điểm liên huyện, liên xã; điều tra xử lý nghiêm, kịp thời các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng cường tính răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Phát hiện và kiên quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân gây TNGT như: vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, đậu đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy. Đối với trật tự ATGT đường thủy, tập trung rà soát tuyến đường sông, phát hiện các nguy cơ có thể dẫn đến đâm, va, TNGT do kết cấu các cây cầu qua sông, từ đó đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bố trí kinh phí sửa chữa: phao, phà cầu phao Ninh Cường đã hư hỏng, xuống cấp; bổ sung phà cho bến phà Đống Cao; bố trí kinh phí để lắp mới, sửa chữa, bổ sung các trang thiết bị, biển báo, đèn tín hiệu, có phương án chống đâm, va đối với các cầu trên tuyến, đặc biệt là cầu Đò Quan trên sông Đào (TP Nam Định). Lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường thủy, tập trung xử lý trên các tuyến có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao như sông Đào, sông Hồng và hoạt động bến khách ngang sông. Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, ngành đường sắt đã quan tâm đầu tư kinh phí, bổ sung các thiết bị biển báo bảo đảm ATGT; tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, các địa phương thực hiện dự án xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào cách ly; phân cấp, phân công cụ thể trách nhiệm quản lý và xử lý các trường hợp tái vi phạm về bảo đảm hành lang ATGT đường sắt. Huyện Vụ Bản đã lắp đặt bổ sung, duy tu, bảo dưỡng hệ thống biển báo giao thông đường bộ và tổ chức cắm biển chỉ dẫn trên các tuyến đường vào khu di tích Phủ Dầy. 100% xã, thị trấn triển khai lắp dựng hơn 100 khung hạn chế xe quá khổ, quá tải trên đường nông thôn; đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng chuyên môn tích cực phát hiện, xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải, vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT. Kiểm tra, nhắc nhở các bến đò ngang thực hiện nghiêm quy định đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Thành phố Nam Định tập trung xử lý nghiêm các tình trạng vi phạm: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, đỗ dừng xe đón trả khách không đúng nơi quy định; học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi.

Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các địa phương và cả cộng đồng đã giúp tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nửa đầu năm 2016. Tinh thần này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, trước mắt là dịp hè và kỳ thi quốc gia THPT tới đây.

nhunghv

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)