Trên toàn tuyến đường thủy nội địa của tỉnh Nam Định có rất nhiều cầu, cảng, bến bãi bốc dỡ vật liệu, bến khách ngang sông... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT đường thủy. Nhằm tăng cường đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, thực hiện phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” do Uỷ ban ATGT quốc gia phát động, năm 2015, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 3 mô hình điểm, gồm: “Bến phà văn hoá - an toàn” tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc xã Xuân Châu (Xuân Trường); “Đoạn, tuyến sông văn hoá - an toàn” tại kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và “Bến đò văn hoá - an toàn” tại bến đò Sòng, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Cán bộ ngành GTVT tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến sông Đào
Tuy nhiên, việc duy trì hiệu quả mô hình bị hạn chế, thiếu đồng bộ. Mặc dù Ban chỉ đạo phong trào đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện song ở một số huyện, xã công tác triển khai đôi khi còn chậm, thiếu hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai nhân rộng các mô hình điểm; tách rời giữa việc xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” với việc giải quyết tình hình trật tự xã hội và trật tự ATGT đường thuỷ nội địa; chỉ đạo thực hiện manh mún. Nhận thức của cấp chính quyền cơ sở về cuộc vận động chưa đầy đủ, dẫn đến tư tưởng “khoán trắng” việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy cho lực lượng Công an và ngành GTVT. Thực trạng đó cộng với tình hình TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ đầu năm đến nay đặt ra yêu cầu cấp bách, tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Vì vậy mới đây Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” năm 2016.
Để đảm bảo sự tập trung, thống nhất chỉ đạo, Ban ATGT tỉnh tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tỉnh, phân công cụ thể trách nhiệm cho các thành viên. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thuỷ đến toàn thể nhân dân; chú trọng đối với lái tàu, thuyền viên, chủ đò và người trực tiếp tham gia giao thông đường thủy. Ban ATGT các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tiếp tục phát huy kinh nghiệm hoạt động và nhân rộng các mô hình điểm về ATGT đường thủy. Từ năm 2015, xã Hải Triều (Hải Hậu) đã ký cam kết thực hiện mô hình “Làng chài ATGT” với Bộ GTVT thực hiện tại xóm Tân Minh, nơi có 225 hộ dân, 994 nhân khẩu, ngành nghề chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản và nghề đan lưới truyền thống. Xóm có 34 tàu đánh bắt cá xa bờ, công suất máy từ 300-600 CV/tàu, chiếm 67% tổng số tàu trong toàn xã, hoạt động khai thác trải trên các vùng biển từ Bắc tới Nam. Nhằm đảm bảo các thành viên trong thôn, xóm, xã, phường không vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy trong quá trình làm kinh tế, xã Hải Triều đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện “Quy ước đảm bảo ATGT đường bộ, đường biển”, tổ chức thành lập các tổ đánh bắt thủy, hải sản an toàn và hỗ trợ lẫn nhau khi đánh bắt xa bờ. Cũng thông qua mô hình, đến nay 100% tàu thuyền của ngư dân địa phương đã được đăng ký, đăng kiểm, trang bị đủ các thiết bị an toàn, đảm bảo hoạt động tốt trong toàn bộ thời gian đi biển; đặc biệt 100% tàu thuyền thực hiện nghiêm túc quy định không xuất bến khi có cảnh báo thời tiết xấu, nguy hiểm…
Trong tháng 5/2016, Ban ATGT tỉnh đã lựa chọn xây dựng mô hình “Cầu phao Ninh Cường văn hóa, văn minh, an toàn” thuộc Công ty CP Xây dựng Hoàng Nam. Theo đó, Công ty CP Xây dựng Hoàng Nam đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, công nhân viên, quyết tâm thực hiện đồng bộ các mặt công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy; xây dựng ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về đảm bảo ATGT của cán bộ, công nhân viên và người dân tham gia giao thông qua cầu phao. Công ty cụ thể hóa thành mô hình các tiêu chí như: điều kiện hoạt động của cầu phao; quy định đối với cán bộ, công nhân viên làm việc tại cầu phao và quy định đối với người dân tham gia giao thông qua cầu phao; lắp dựng các pa-nô, áp phích tuyên truyền “Văn hóa giao thông đường thủy với bình yên sông nước”, chấp hành quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa tại cầu phao. Công ty phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội trong khu vực cầu phao, đặc biệt là công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Công ty phấn đấu bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự, an toàn; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông qua cầu phao, không để xảy ra TNGT đường thủy…
Ban Chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị thành viên lồng ghép thực hiện phong trào với việc giải quyết tình hình trật tự xã hội và trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Ngành GTVT và lực lượng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý người lái, phương tiện vận tải thủy và việc chấp hành các quy định pháp luật về ATGT trong vận tải đường thủy. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền các quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; xử lý người đi đò không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy, bến khách khi không đủ điều kiện an toàn như: thiếu giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái, trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh… Cuộc vận động được lồng ghép thực hiện với các phong trào, cuộc vận động, chương trình cụ thể của từng ngành, địa phương như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Địa bàn an toàn về trật tự, an toàn xã hội”, “Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em”.
Tai nạn giao thông đường thủy xảy ra ít hơn đường bộ, nhưng khi đã xảy ra thì thiệt hại mọi mặt và hệ lụy xã hội rất lớn và lâu dài. Xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, tránh tư tưởng chủ quan, nhiệm vụ này đang cần sự chung tay tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng dân cư.