Nhằm ngăn ngừa, làm giảm các vụ vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương do TNGT trên địa bàn, thời gian qua Công an thành phố Ninh Bình đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Công an thành phố Ninh Bình kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông
Do thời tiết nắng, nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, nên nhu cầu sử dụng bia trong các bữa tiệc giao lưu, gặp mặt của người dân tăng cao.
Tại thành phố Ninh Bình, vào cuối giờ tan tầm, tại các quán giải khát bia hơi trên địa bàn thành phố, người đến uống bia rất đông với không khí rất sôi động và tất nhiên, sau khi uống rượu, bia họ vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Một chủ cửa hàng kinh doanh bia giải khát trên địa bàn thành phố cho biết: Khoảng 4 giờ chiều trở đi, số lượng khách đến quán uống bia khá đông, mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng trên 70 lít bia, các khách hàng đến uống bia với lượng trung bình khoảng 1,5lít - 2lít/khách hàng; có những khách hàng sau khi uống không thực hiện điều khiển phương tiện, nhưng cũng có người vẫn điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
Theo phân tích của ngành chức năng, nếu ước lượng như thông thường, chỉ cần uống 1 chén rượu hoặc nửa lít bia, lượng cồn trong máu có thể vượt quá mức tối thiểu 50mg/100ml máu.
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, nghiêm cấm người điều khiển ô tô, mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít thở.
Như vậy, với lượng bia uống như trên rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì nhiều chủ xe đã vi phạm Luật ATGT đường bộ và đó là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT trên địa bàn. Thực tế đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân liên quan đến nồng độ cồn của lái xe.
Đồng chí Nguyễn Văn An, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Nhằm làm giảm tỷ lệ TNGT mà nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn gây ra, thời gian qua lực lượng công an thành phố đã xây dựng kế hoạch, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tập trung kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia trên các tuyến đường chính của thành phố, khu vực có nhiều điểm kinh doanh rượu, bia; tăng cường áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên theo thông lệ quốc tế; tích cực thực hiện kiểm tra đột xuất trên các tuyến đường; chú trọng mô hình tổ tuần tra 191 phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác nhằm kiểm tra triệt để đối tượng vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; kết hợp thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn với các chuyên đề xử lý vi phạm trật tự ATGT khác.
Theo thống kê, từ ngày 1/6 đến nay, Công an thành phố đã kiểm tra trên 150 trường hợp, phát hiện xử lý 30 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 50 triệu đồng, tạm giữ 7 phương tiện ô tô. Hiện nay, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được áp dụng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, từ ngày từ 1/8/2016, Công an thành phố sẽ thực hiện theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Theo đó, nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn được điều chỉnh tăng nặng nhằm tăng cường sự răn đe.
Cụ thể, Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Đối với người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng, vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Bên cạnh đó, Công an thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, vận động người dân nói không với rượu bia khi tham gia giao thông và các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn; huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Tuy nhiên, việc phát hiện, xác định chính xác vi phạm về nồng độ cồn vẫn còn nhiều khó khăn, khi lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, một số người điều khiển phương tiện giao thông tỏ thái độ không chấp hành hoặc chống đối không chịu ngậm vào ống thở hoặc ngậm nhưng thở không đủ hơi vào máy đo nồng độ cồn; cố tình lảng tránh, kéo dài thời gian chấp hành mệnh lệnh… dẫn đến kết quả bị sai lệch. Thậm chí, nhiều người còn có lời nói, hành động chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Thời gian tới, lực lượng CSGT công an thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là những người vi phạm nồng độ cồn và chống đối các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cũng cần tự giác nâng cao ý thức, đã uống rượu, bia thì không lái xe.