Sở Giao thông vận tải Lai Châu vừa bàn giao và chính thức đưa cầu Nậm Khao vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân hai xã phía Tây sông Đà của huyện Mường Tè.
Ai đã từng đến các xã nằm ở phía Tây sông Đà của huyện Mường Tè vào nhiều năm trước, hẳn vẫn nhớ hình ảnh cây cầu treo và những chuyến đò ngang phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nơi đây. Nhưng, giờ trở lại Nậm Khao, Tà Tổng, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui của những người dân nơi đây, bởi những vất vả năm nào giờ đã trở thành ký ức; thay vào đó là một cây cầu bê tông, cốt thép vĩnh cửu phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.
Các phương tiện vận tải lưu thông qua cầu Nậm Khao.
Trong những ngày đầu tháng 7, có dịp đến với các xã nằm ở phía Tây sông Đà của huyện Mường Tè, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay và vươn lên mạnh mẽ của mảnh đất nơi đây, khi các bản tái định cư được xây dựng khang trang với những nếp nhà sàn mái ngói, mái tôn đỏ tươi. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông đến các xã này giờ đây không còn bị chia cắt bởi con sông Đà, khi mà vào tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lai Châu đã chính thức bàn giao và đưa cầu Nậm Khao đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại, thông thương tới Nậm Khao, Tà Tổng.
Trong niềm vui mừng, phấn khởi, anh Lý Văn Lương - người bản Nậm Khao, xã Nậm Khao xúc động chia sẻ: “Vì dòng điện tương lai của Tổ quốc, 74 hộ dân với gần 500 nhân khẩu bản Nậm Khao đã di chuyển đến đây để phục vụ cho việc thi công thủy điện Lai Châu. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân trong bản đã được đi lại trên một cây cầu lớn. Những sản phẩm nông - lâm sản cũng không còn phải chở qua sông bán nữa. Giờ đây các loại xe tải lớn bé đều có thể đến bản, mang theo nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con đồng thời thu mua những sản vật mà chúng tôi sản xuất được. Cuộc sống của bà con dân bản sẽ bước sang một trang mới. Chúng tôi có thể tập trung gieo trồng nhiều loại nông sản mà không lo sẽ không có chỗ tiêu thụ…
Việc hoàn thành và đưa cầu Nậm Khao chính thức vào sử dụng, không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho bà con xã Nậm Khao mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân các dân tộc xã Tà Tổng. Trao đổi với ông Lý Chùy Hừ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng, chúng tôi được biết: “Trước kia, nhắc đến Tà Tổng là người ta nhắc đến một xã đặc biệt khó khăn, để thi công các công trình trong xã luôn bị đội vốn lên rất nhiều do những khó khăn trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu. Cùng với đó, nông sản của bà con sản xuất ra cũng bị ép giá bởi lý do vận chuyển khá tốn kém, dẫn đến việc đầu tư cho sản xuất của bà con cũng bị hạn chế. Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mường Tè, xã Tà Tổng được quy hoạch là vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc cùng diện tích trồng ngô lớn nhất huyện. Theo kế hoạch đến năm 2020, xã Tà Tổng sẽ có 230ha ngô, cây cầu Nậm Khao được đưa vào sử dụng và kết nối với hệ thống đường giao thông liên huyện, tỉnh chính là điều kiện cần và đủ cho phép các phương tiện vận tải có trọng tải lớn lưu thông đến Tà Tổng, đồng thời tạo điều kiện cho những sản phẩm của bà con nơi đây thông thương một cách thuận lợi. Từ đó, tạo động lực cho người dân đẩy mạnh sản suất, kinh doanh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Niềm vui của Nhân dân 2 xã: Nậm Khao, Tà Tổng có được hôm nay chính là nhờ Dự án Bắc cầu qua sông Đà của Sở GTVT Lai Châu. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Tấn Vĩnh – Phó Giám đốc Sở GTVT Lai Châu cho biết: “Với những khó khăn đặc thù của Nhân dân các xã nằm phía Tây sông Đà thuộc địa bàn 2 huyện Nậm Nhùm và Mường Tè, Sở GTVT Lai Châu đã lập dự án xây dựng 3 cây cầu bắc qua sông Đà bao gồm các cầu: Pá Mô, Nậm Khao, Pắc Ma, nhằm tạo điều kiện thông thương và phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Cầu Nậm Khao được khởi công vào tháng 11 năm 2012 với tổng mức đầu tư 114 tỷ đồng. Đây là cây cầu vĩnh cửu, được thiết kế có chiều dài 273m với 3 nhịp đúc hẫng, 2 nhịp dẫn, chiều cao trụ cầu 30m. Cầu được thông cầu kỹ thuật vào tháng 10/2015 và chính thức đưa vào hoạt động tháng 6/2016”.
Cũng theo ông Vĩnh, việc hoàn thành cầu Nậm Khao không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, thông thương, vận chuyển nông - lâm sản của bà con, mà cùng với đó suất đầu tư cho các công trình trên địa bàn cũng tạo nên sự bình ổn về giá; tiến độ các công trình được đẩy nhanh hơn, hạn chế việc thất thoát tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, đây chính là tiền đề quan trọng tạo đà cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân khu vực phía Tây sông Đà thuộc huyện Mường Tè.