Đây được xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu này là một câu chuyện dài, khi trên thực tế, hạ tầng và năng lực vận tải chưa đáp ứng yêu cầu, khiến ngành dịch vụ logistics chưa thực sự phát triển ở Bình Định.
Theo TS. Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh, hoạt động dịch vụ logistics ở tỉnh ta đã có những bước phát triển nhất định về số lượng doanh nghiệp (DN) và loại hình, cũng như chất lượng hay khả năng cạnh tranh, góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Theo thông tin công bố tại hội thảo chuyên đề về logistics do Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh vừa tổ chức, toàn tỉnh hiện có 422 DN cung cấp dịch vụ logistics (như dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải, đại lý giao nhận...), thu hút hơn 8.000 lao động, với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng.
Tàu nước ngoài làm hàng container ở Cảng Quy Nhơn.
Nhỏ lẻ, manh mún
Khách quan nhìn nhận, quá trình phát triển dịch vụ logistics ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Về quy mô hoạt động, phần lớn các DN đều có quy mô nhỏ, manh mún, đa số có dưới 10 lao động (chiếm 57,8%); từ 10 - 49 lao động chiếm 36%; từ 50 - 159 lao động chiếm 4,5% và trên 200 lao động chỉ có… 1,7%.
Điều đáng nói, kết quả điều tra cho thấy, khoảng 73,3% DN hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh không liên kết với các đơn vị khác để thực hiện dịch vụ. Số còn lại tuy có liên kết nhưng cũng chỉ ở mức độ manh nha và tự phát. Đó là lý do khiến số lượng hàng hóa mà các DN vận chuyển không nhiều, chỉ có thể thực hiện trong nội tỉnh và các vùng lân cận.
Chất lượng dịch vụ các DN logistics cũng còn nhiều hạn chế. Dịch vụ logistics chủ yếu là cung cấp các dịch vụ vận tải nội địa, phần lớn là đường bộ, kho hàng, giao nhận, thủ tục hải quan… mà chưa có giải pháp trọn gói và giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí vận tải cao cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động dịch vụ. Nguồn nhân lực hiện tại cũng chỉ đáp ứng theo quy mô của DN và việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này cũng chưa được chú trọng, hay chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài.
Nguồn tài chính của các DN vừa và nhỏ vẫn còn yếu nên phần lớn máy móc, thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng cho ngành công nghiệp này còn hạn chế, phải thuê lại từ DN khác, dẫn đến khả năng cạnh tranh giảm.
Tham dự hội thảo tại Bình Định, Th.S. Nguyễn Thanh Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH TP Hà Nội, chia sẻ rằng, không riêng gì Bình Định, ngoài một số tập đoàn, đơn vị vận tải lớn khối Nhà nước thì hầu hết DN trong nước hoạt động dịch vụ logistics đều yếu về công nghệ lẫn nhân lực.
Tìm giải pháp cho thách thức logistics
Từ những đánh giá ban đầu về năng lực cạnh tranh của các DN dịch vụ logistics Bình Định, cùng những triển vọng kinh tế ảnh hưởng đến dịch vụ logistics, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh đã đưa ra mục tiêu, định hướng phát triển dịch vụ này giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, phát triển dịch vụ logistics với tốc độ tăng trưởng cao, phấn đấu đến năm 2030, tỉ trọng đóng góp GDP nằm trong nhóm cao nhất của khu vực dịch vụ, trung bình đến năm 2020 là 10-15%, đến năm 2030 hơn 20% năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, 4 nhóm giải pháp quan trọng cần được triển khai đồng thời. Đó là tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động logistics; đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển dịch vụ logistics; mở rộng các loại hình dịch vụ logistics; phát triển các nhà cung cấp dịch vụ logistics.
Theo Luật Thương mại, “logistics là một hoạt động thương mại do các thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan và các loại giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa để hưởng phí thù lao”. Hiểu một cách đơn giản, logistics là việc thực hiện và kiểm soát toàn bộ hàng hóa cùng những thông tin có liên quan từ nơi hình thành nên hàng hóa cho đến điểm tiêu thụ cuối cùng. |
Trong giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển dịch vụ logistics, đáng chú ý là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Với đường biển, Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực của nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Trong giai đoạn 2020-2030, tổng diện tích quy hoạch mở rộng Cảng Quy Nhơn lên đến 95 ha. Với việc quy hoạch mở rộng Cảng Quy Nhơn để tiếp nhận tàu cỡ lớn, dự kiến lượng hàng hóa thông qua cảng mỗi năm sẽ đạt từ 15-18 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2020 và giai đoạn sau năm 2030 đạt từ 25-30 triệu tấn/năm.
“Việc quy hoạch mở rộng Cảng Quy Nhơn nhằm xây dựng, phát triển trở thành một trong những cảng biển hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH không chỉ của tỉnh mà còn cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia” - ông Võ Ngọc Anh nhận định.
Ông Võ Ngọc Anh cũng thông tin thêm, sẽ tiếp tục kiến nghị mở rộng quốc lộ 19 và rà soát, đánh giá lại sự phù hợp các điểm quy hoạch cụm phát triển logistics ở Phước Lộc (Tuy Phước) và dọc tuyến quốc lộ 19 tương ứng với sự phát triển nhu cầu hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn. Đó chính là kết cấu hạ tầng cơ bản thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển.