Mưa lũ, thiên tai là một trong những yếu tố tác động trực tiếp và ảnh hưởng không nhỏ tới hạ tầng các công trình giao thông, chính vì vậy công tác đảm bảo an toàn trên các tuyến giao thông luôn được ngành GTVT tỉnh Tuyên Quang chú trọng.
Ngày 29/7, tại đường tràn Pắc Cụp, km 170 + 600, Quốc lộ 2C thuộc địa phận xã Kiến Thiết (Yên Sơn), do ảnh hưởng của cơn bão số 1, tuy mưa đã ngừng nhưng nước lũ vẫn dâng cao hơn mặt tràn tới trên 1 mét. Tại đây Công ty cổ phần Đường bộ 232 đã chủ động cử cán bộ tổ chức hướng dẫn, cảnh báo nhân dân không đi qua tràn nơi có mực nước đang dâng cao, chảy siết. Tới khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, khi nước rút, cán bộ của công ty hót dọn lớp bùn đất bám mặt tràn nhằm giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện.
Theo ông Vũ Việt Dũng, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông Nà Hang, cơn bão số 1 vừa qua, hạt cũng đã kịp thời cử cán bộ, huy động máy móc, thiết bị hỗ trợ công tác xử lý sạt taluy dương gây tắc đường tại km 102 + 500 Quốc lộ 279 thuộc địa bàn thị trấn Nà Hang. Đơn vị đã nhanh chóng hót dọn đất đá, kịp thời thông tuyến cho người và phương tiện lưu thông. Hay như việc kịp thời hót, dọn đất sạt lở trôi mặt đường tại km 149 đường tỉnh, tại xã Thượng Giáp cũng được Hạt chỉ đạo, xử lý kịp thời thông tuyến trong thời gian nhanh nhất. Xác định ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết thì công tác phòng ngừa cần phải được thực hiện đồng bộ, đơn vị cũng đã rà soát những vị trí có nguy cơ sụt lún, trượt, ngập úng trên từng tuyến đường để có phương án xử lý. Ngoài 2 máy xúc, 2 ô tô của đơn vị, Hạt đã chủ động hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huy động các máy xúc, xe ô tô và đá dăm cùng các loại vật liệu khác sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Hạt Quản lý giao thông Nà Hang dọn đất sạt lở tại Km 102 + 500 QL279
địa phận thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang.
Trước khi bước vào mùa mưa bão, ngành Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông thực hiện kiểm kê, tổng hợp vật tư, thiết bị dự phòng, kiểm tra tình hình khai thác, đảm bảo giao thông các công trình đường bộ để có phương án sửa chữa, gia cố trước khi mưa bão xảy ra. Xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch, biện pháp để chủ động phòng, chống và đề ra phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Đặc biệt chú ý các tuyến có nhiều đèo dốc nguy hiểm, những tuyến nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.
Các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ. Các hạt quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn. Đối với các dự án đang triển khai, Sở Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công nền dứt điểm từng đoạn. Các đơn vị chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến thi công, kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi lũ, lụt xảy ra.
Công tác thường trực phòng, chống thiên tai được ngành triển khai từ tháng 5 đến tháng 10/2016, tổ chức trực 24/24h để nắm chắc diễn biến tình hình mưa lũ, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng và đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn. Tất cả các đơn vị trong ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.