Tây Ninh có 16 xã đạt tiêu chí giao thông

Thứ năm, 29/09/2016 13:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, đến nay toàn tỉnh có 16/80 xã nông thôn đạt chuẩn quy định về tiêu chí giao thông.

Các xã này gồm: Thạnh Đông- huyện Tân Châu; Thạnh Bình và Tân Lập- huyện Tân Biên; An Bình và Thanh Điền- huyện Châu Thành; Bình Minh- thành phố Tây Ninh; Bến Củi và Chà Là- huyện Dương Minh Châu; Long Khánh và Long Phước- huyện Bến Cầu; Long Thành Trung và Long Thành Bắc- huyện Hòa Thành; Phước Trạch và Phước Đông- huyện Gò Dầu; An Tịnh và An Hòa- huyện Trảng Bàng.

Tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã An Bình, huyện Châu Thành.

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay, Tây Ninh đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giao thông tại các xã đạt chuẩn, tạo nên diện mạo mới ở nông thôn.

Các tuyến đường giao thông từ huyện đến xã, xóm, ấp, hộ gia đình được thông thoáng, lưu thông thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hóa, nông sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Thời gian qua, các công trình được đầu tư bằng nguồn ngân sách thì có sự quản lý, giám sát về chất lượng theo các quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với các công trình do dân tự vận động và thực hiện cứng hóa chủ yếu là các tuyến đường xóm, liên gia thì không có sự quản lý, giám sát về chất lượng theo các quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản nhưng đã đáp ứng được yêu cầu cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực thì đến nay, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các địa phương vẫn còn không ít khó khăn. Một số huyện không cân đối được nguồn vốn đối ứng theo Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND ngày 26/11/2012 của UBND tỉnh về quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

Theo Quyết định này, cơ cấu vốn đầu tư để xây dựng giao thông nông thôn là: tỉnh hỗ trợ từ 50% đến 70%, huyện từ 30% đến 50% vốn. Tuy nhiên, do một số huyện không cân đối được nguồn vốn đối ứng dẫn đến một số công trình bị chậm tiến độ, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, các tuyến đường sau khi được đầu tư xây dựng chưa được duy tu bảo dưỡng kịp thời do nguồn vốn bảo trì còn hạn chế, đã làm giảm tuổi thọ khai thác của đường, phát sinh nhiều hư hỏng gây khó khăn cho việc lưu thông của nhân dân.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ngập nước trong mùa mưa.

Đồng thời, các hạng mục an toàn giao thông như hệ thống biển báo, cọc tiêu, tường hộ lan còn thiếu, cần được lắp đặt bổ sung, hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND cấp huyện và các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới xem xét ưu tiên nguồn lực của địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm duy trì chất lượng đường giao thông và tăng tuổi thọ công trình theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý, khai thác, bảo trì đường giao thông nông thôn cho các cán bộ cấp xã.

Các huyện cũng cần trang bị hệ thống báo hiệu đường bộ, nhất là các biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đường xã nhằm đảm bảo khả năng khai thác các tuyến đường này và đảm bảo an toàn giao thông.

Song song đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những tấm gương điển hình trong đầu tư giao thông nông thôn, những cách làm hay, những sáng kiến hay trong việc thực hiện tiêu chí giao thông; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của địa phương, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại các xã.

hoavt

Nguồn: Báo Tây Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)