Ngày 13/10, tại Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng Thế gới (WB) để triển khai Hợp phần đường (thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì buổi làm việc.
Quảng Bình là một trong 14 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gói tắt là LRAMP). Tại hợp phần đường, tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng 11 tuyến đường nông thôn (54,4km) với tổng mức đầu tư khoảng 9,2 triệu USD (tương đương 208 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của WB. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2021.
Trên cơ sở kế hoạch đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017, tỉnh Quảng Bình sẽ triển khai xây dựng 3 tuyến đường, gồm: Sảo Phong-Ngọc Lâm (huyện Tuyên Hóa), nguồn vốn 25 tỷ đồng; Quảng Hưng-Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch), nguồn vốn 15,6 tỷ đồng; đường tỉnh 559B (huyện Tuyên Hóa), nguồn vốn 54,9 tỷ đồng.
Năm 2018, xây dựng 3 tuyến đường, gồm: đường thôn Cộng Hòa - Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) 13,9 tỷ đồng; Quốc lộ 15 đi thôn Hoành Vinh (huyện Quảng Ninh) 9,4 tỷ đồng; Quốc lộ 12 đi Khe Rôn (huyện Tuyên Hóa) 30,9 tỷ đồng.
Năm 2019, xây dựng 5 tuyến đường, gồm: Nam Lý - Trung Trương (TP. Đồng Hới), nguồn vốn 10,6 tỷ đồng; Sơn Thủy-Tiền Phong, xã Quảng Long (TX Ba Đồn) 4,7 tỷ đồng; Hoàn Lão-Phú Định (huyện Bố Trạch) 30,4 tỷ đồng; đường UBND xã Hoa Thủy nối đường Hồ Chí Minh (huyện Lệ Thủy) 10 tỷ đồng; Quán Hàu-Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) 2,8 tỷ đồng.
Theo cam kết nguồn vốn với WB, thì UBND tỉnh phải vay lại 1,84 triệu USD (tương đương 41,6 tỷ đồng) và bố trí nguồn vốn đối ứng để thực hiện duy tu bảo dưỡng thường xuyên toàn bộ hệ thống đường địa phương trong thời gian 5 năm với kinh phí thực hiện 136 tỷ đồng...
Ngoài ra, Quảng Bình cũng được Dự án LRAMP đầu tư hợp phần 2-xây dựng cầu dân sinh do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với nguồn vốn 6,74 triệu USD (tương đương 152 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của WB để đầu tư xây dựng 22 cầu dân sinh trên địa bàn. Trong đó, tỉnh cam kết bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương 2 tỷ đồng.
Việc đầu tư các tuyến đường và cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, giúp giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn xuống cấp, hư hỏng nặng.
Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.