Khu vực miền núi tỉnh Thanh rất giàu tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản và du lịch. Do đó, đầu tư đường giao thông đồng bộ sẽ giúp nhiều địa phương mở “cánh cửa” để phát triển và giảm nghèo.
Tuyến đường vào xã Phú Nghiêm được sửa chữa, tu bổ.
Người dân xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) không thể nào quên những khó khăn, nhọc nhằn trước kia, khi tuyến đường giao thông nối xã với Quốc lộ 15A để xuống trung tâm huyện lỵ vẫn còn là đường đất. Đường không ra đường, những ngày “mưa dầm gió bấc” muốn xuống trung tâm huyện người dân Phú Nghiêm như phải “đánh vật”. Từ năm 2007, tuyến đường được đầu tư xây dựng, đem đến nhiều thuận lợi. Đồng chí Hà Minh Hoán, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, cho biết: “Mặc dù địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng con đường đã tạo ra sự thay đổi mọi mặt trong đời sống của người dân Phú Nghiêm. Kể từ khi có đường, kinh tế - xã hội của xã phát triển hơn trước, người dân có điều kiện giao lưu văn hóa, thông thương kinh tế. Hạt ngô, cây luồng mà bà con trồng có giá bán cao hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên 13 triệu đồng/năm”.
Tại huyện Lang Chánh, giai đoạn từ 2011 - 2015, thông qua nguồn vốn của Nghị quyết 30a, Chương trình 135 của Chính phủ... huyện được đầu tư xây dựng 41 công trình giao thông. Trong đó, nhiều tuyến đường về các xã vùng đặc biệt khó khăn như: Đường từ trung tâm xã Yên Thắng đi Cửa khẩu Méng, xã Yên Khương; đường từ thị trấn Lang Chánh đi xã Tam Văn, xã Lâm Phú và nối Quốc lộ 217 đi huyện Quan Sơn; đường từ xã Trí Nang đi 2 xã Giao An, Giao Thiện và nối với xã Lương Sơn (Thường Xuân) đã được mở. Hệ thống đường giao thông được ưu tiên đầu tư đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Lang Chánh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn.
Thông qua nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi của Trung ương, của tỉnh nhiều tuyến đường về các xã vùng sâu, vùng xa đã được mở mới. Trong 5 năm (từ 2009-2014), Nghị quyết 30a đã phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng 47 công trình giao thông, 5 cầu bê tông bắc qua sông, suối trên địa bàn 7 huyện nghèo. Còn Chương trình 135, giai đoạn 2011-2015 cũng đã đầu tư xây mới 923 công trình giao thông trên địa bàn 114 xã và 197 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2016 này, ở khu vực miền núi đã và đang triển khai xây dựng 224 công trình giao thông. Mới đây, khu vực miền núi được đầu tư xây dựng 22 cầu treo dân sinh thuộc Đề án “Xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh phía Bắc miền Trung và Tây Nguyên”. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn khu vực miền núi đã có 857 km được trải nhựa, 1.352 km được bê tông xi măng và 979 km đường cấp phối.
Những con đường mới mở được kết nối với các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh thành hệ thống giao thông liên hoàn tạo điều kiện thuận lợi để bà con các dân tộc miền núi thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa – xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, khu vực miền núi vẫn còn khoảng 245 km đường huyện, 1.225 km đường xã, 3.096 km đường thôn, bản là đường đất. Để các địa phương miền núi có thêm “cửa ngõ” thông thương kinh tế, khai thác tiềm năng và vươn lên thoát nghèo rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh.