Thời gian qua, lượng ô tô tăng đột biến đã gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông TP. Nha Trang vốn đang bị quá tải.
Ô tô đăng ký mới tăng mạnh
Theo thống kê, từ tháng 5 đến nay, tổng phương tiện đăng ký hơn 2.000 xe, tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Trung tá Lê Quang Huy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, tổng số xe ô tô trên địa bàn TP. Nha Trang đã hơn 23.000 xe.
Nhu cầu đăng ký phương tiện của người dân là rất chính đáng, thể hiện sự tăng trưởng về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc gia tăng mạnh mẽ phương tiện cá nhân và xe tải đã tác động rất lớn tới tình hình giao thông của TP. Nha Trang. Đó là chưa kể đến các phương tiện ô tô từ 45 chỗ ngồi đổ dồn về vào lúc cao điểm mùa du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm như: khu đô thị phía tây Lê Hồng Phong, các dự án dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng… dẫn đến lượng xe tải chở khối lượng lớn đất, đá, vật liệu xây dựng tăng đột biến, cũng góp phần gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế.
Hạ tầng giao thông TP. Nha Trang đang quá tải
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho rằng, tuy hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng nhưng chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Đa số các tuyến đường trên địa bàn thành phố đều khá hẹp, chỉ có một số tuyến đường nằm trong khu đô thị phía tây Lê Hồng Phong có diện tích mặt đường lớn. Cùng với đó, số lượng ô tô gia tăng có thể sẽ gây nên áp lực cho giao thông. Theo thống kê từ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa, đến thời điểm này, lượng phương tiện đăng kiểm tại đơn vị là hơn 35.000 xe, trong đó Nha Trang chiếm từ 70 đến 75%. Hiện tại, bình quân mỗi năm lượng phương tiện ô tô tăng từ 11 đến 12%.
Bên cạnh đó, việc gia tăng các phương tiện ô tô cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở thành phố do phát thải khói xe…
Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Sự phát triển của phương tiện và áp lực của nó đến môi trường là một điều tất yếu. Vì thế, tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề này. Theo ông Định, trước tiên, cần hoàn thiện các quy hoạch về hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống quản lý vận hành và phát triển đô thị. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án như: Phong Châu, Cao Bá Quát - Cầu Lùng (đường Nha Trang - Diên Khánh); nút giao khu vực xung quanh sân bay Nha Trang (cũ)… Có như vậy mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đô thị thành phố.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải đang hoàn thiện hệ thống xe buýt nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Việc thực hiện xã hội hóa các tuyến xe tạo điều kiện thuận lợi cho người dân với những lựa chọn đa dạng hơn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, các tuyến xe buýt nội thành cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, dù biết nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố còn hẹp, tuy nhiên việc mở rộng là bất khả thi do không có kinh phí. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục thực hiện phân luồng giao thông, tạo thuận lợi nhất cho các phương tiện. Thực tế sau mấy tháng thực hiện, việc phân luồng đã phát huy hiệu quả tích cực, giao thông thông thoáng hơn; đồng thời, thành phố cũng quyết liệt xử lý các phương tiện dừng đỗ sai quy định, cố ý đi ngược chiều. Thời gian tới, thành phố sẽ cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.