Hoàn thiện cơ sở hạ tầng là một trong những nguồn lực quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI. Tuy nhiên, trước tình trạng ngân sách ngày càng khó khăn, không dễ để đầu tư hạ tầng đồng bộ và kết nối liên vùng thông suốt.
Nỗ lực đầu tư
Ngày 3/12, nước mưa lũ tràn về, đoạn Lai Nghi trên tuyến ĐT608 (Vĩnh Điện - Hội An) bị ngập nặng. Không như những năm trước, thay vì phải ngược ra tận Tứ Câu thì bây giờ, người dân chỉ cần theo con đường được nâng cấp từ giao thông liên xã Điện Minh - Điện Nam hay đường mới mở sát Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, xuôi xuống đường nối Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ dễ dàng đến Hội An.
Không chỉ cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn theo đường 129, kết nối hai đầu nam - bắc, hứa hẹn “đổi đời” cho vùng đất miệt đông nghèo Quảng Nam, mà việc mở rộng các tỉnh lộ, hình thành 6 cây cầu quan trọng kết nối khu vực đông - tây, hơn 1.500km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa lên 4.200km, góp phần nâng tỷ lệ đường huyện có mặt đường từ 50% lên hơn 70%, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ 49% lên 66%... đã biến những vùng đất xa xôi trở nên gần gũi và tiếp cận nhiều hơn cơ hội phát triển. Mạng lưới cấp nước, bưu chính - viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị... cũng đã dần hoàn thiện. Việc nâng cấp 14 hồ chứa nước lớn, 300 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu, hơn 400km kênh mương đã giúp 87,6% diện tích lúa và 13.700ha đất màu chủ động nước tưới với hơn 60% xã có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, với 99% tỷ lệ hộ sử dụng điện, 98,4% số xã có điện hay 93% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm... đã chứng minh hiệu quả đầu tư từ vốn nhà nước vào kiến thiết hạ tầng.
Nhờ nỗ lực đầu tư, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh dần hoàn thiện.
Sở KH&ĐT Quảng Nam công bố tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015 hơn 76.700 tỷ đồng và chỉ tính riêng năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã gần 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng hiện kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong 6 năm qua, nguồn lực này chỉ mới đáp ứng khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu. Việc huy động vốn đầu tư phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước vẫn chiếm đến 53,4% tỷ trọng. Khá nhiều công trình trọng điểm thiếu vốn. Quảng Nam phải cần đến 130.000 - 135.000 tỷ đồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 – 10,5%/năm cho đến năm 2020. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đông – tây, hạ tầng đô thị, nông thôn, nạo vét cảng Kỳ Hà, sông Cổ Cò, Trường Giang, hoàn thành đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai… không nằm ngoài lĩnh vực ưu tiên. Tất cả dự án đầu tư này đều cấp thiết, có khả năng tạo dựng nền tảng tăng trưởng kinh tế dài hạn hay phúc lợi xã hội, nhưng “tham vọng” đầu tư vẫn đang giẫm chân tại chỗ vì thiếu nguồn lực.
Chọn dự án đầu tư
Theo nhận định của doanh nghiệp, việc nhà đầu tư được quyền lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp, đơn giá thuê đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác hay không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ cho thấy sức hấp dẫn của đầu tư Quảng Nam. Nhưng chỉ chừng ấy thôi chưa đủ.
Nếu các doanh nghiệp địa phương trông chờ vào sự ưu đãi thuế, pháp lý thì những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh hay FDI lại trông chờ nhiều nhất từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Những yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng (kinh tế và xã hội) luôn được nêu ra tại các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng coi việc thiếu hụt hạ tầng và cơ sở hậu cần đe dọa các dự án nước ngoài đầu tư vào xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Đó là lý do, cũng là sức ép lớn nhất của khối doanh nghiệp này khi thương thảo với chính quyền, trước khi quyết định đặt dự án hay mở rộng đầu tư. Ông Tạ Minh Huy - Tổng hội trưởng Tổng hội thương mại Đài Loan cho rằng cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, chính sách không phải là phép cộng đơn giản. Mối quan tâm của Tổng hội thương mại Đài Loan với 150 nhà đầu tư tại một hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam mới đây vẫn là chuyện Quảng Nam có đáp ứng đủ hệ thống giao thông, điện, nước sạch và vận tải đường biển từ các cảng Quảng Nam để nhà đầu tư thuận lợi xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Hiện tại, nhà đầu tư đã có thể dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng tại Quảng Nam thông qua sự kết nối bằng con đường hàng hải quốc tế trực tiếp mới mở của Thaco, nhưng đáp ứng tất cả yêu cầu của nhà đầu tư (không chỉ Đài Loan) về hạ tầng vẫn là câu chuyện không hề dễ dàng. Đứng trước bài toán nan giải này, chính quyền Quảng Nam đã hạ quyết tâm không thể để tình trạng manh mún, dở dang, đói vốn và thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ để đủ khả năng thu hút đầu tư. Một trong những biện pháp cụ thể là quyết định loại bỏ những dự án thiếu khả thi, kiểm soát quy mô và đầu tư dứt điểm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, phát triển mạng lưới giao thông, kết nối hạ tầng trọng điểm, chiến lược đông – tây, đô thị - nông thôn, huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư 5 dự án kinh tế động lực thuộc vùng đông và 4 dự án có tính liên kết vùng tây, tạo 2.000ha đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư là những ưu tiên trước mắt của Quảng Nam.