Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Thứ sáu, 16/12/2016 14:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 gồm quy hoạch phát triển du lịch bằng đường thủy nội địa theo 2 phương thức; Quy hoạch 8 tuyến vận tải du lịch; chuẩn hóa đội tàu vận tải từ 20 đến 250 khách; quy hoạch 38 vị trí đón, trả khách.

Theo quy hoạch được duyệt, thành phố sẽ quy hoạch phát triển du lịch bằng đường thủy nội địa theo 2 phương thức gồm: Vận tải khách du lịch trên sông đến các điểm du lịch được áp dụng cho tất cả các tuyến vận tải thủy; Du thuyền trên sông được áp dụng cho tuyến đường thủy nội địa trên sông Hàn mục đích ngắm cảnh các công trình ven sông, đặc biệt về đêm.

Quy hoạch 08 tuyến vận tải du lịch gồm 04 tuyến (Tuyến cầu sông Hàn-Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn-cửa biển-bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn-Hòn Chảo (đảo Ngọc), tuyến sông Hàn-Cù Lao Chàm) và 04 tuyến mở mới năm 2017 (tuyến sông Hàn-Ngũ Hành Sơn, tuyến sông Hàn-Cẩm Lệ-Túy Loan-Thái Lai, tuyến sông Cu Đê-Trường Định, tuyến sông Hàn-Vĩnh Điện).

Đội tàu vận tải khách du lịch được phát triển theo hướng đa dạng nhưng ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại tàu theo hướng chuyên dụng, riêng đối với tàu khách, ưu tiên phát triển các loại tàu khách theo hướng hiện đại, an toàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Đến năm 2018 chuẩn hóa đội tàu phù hợp với các mẫu thiết kế gam tàu du lịch phổ biến trên thế giới phù hợp với điều kiện từng tuyến vận tải và yêu cầu vận chuyển. Phát triển đội tàu chuẩn hóa theo hướng đối với các tuyến ven biển, tuyến đảo sẽ quy hoạch tàu từ 30 đến 50 khách và lớn hơn; phân cấp tàu SB, riêng tuyến quanh Bán đảo Sơn Trà sử dụng cấp tàu SI, tuyến Sông Hàn - Cù Lao Chàm do quãng đường dài (50km) khuyến khích sử dụng phương tiện tàu cao tốc. Tuyến du thuyền sông Hàn sẽ sử dụng tàu từ 50 đến 250 khách. Tuyến du lịch nội địa trên sông đến các điểm du lịch sử dụng tàu từ 20 đến 30 khách.

Thành phố cũng quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa gồm tăng cường các hoạt động quản lý, kỹ thuật và tuyên truyền giáo dục đảm bảo giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn. Tập trung vào các giải pháp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, kiểm tra giám sát các hoạt động vận tải, đầu tư hệ thống báo hiệu, thanh thải luồng lạch. Trước mắt đối với các tàu du thuyền trên sông Hàn yêu cầu phải lắp đặt hệ thống định vị AIS (giám sát hành trình) nhằm thuận lợi cho công tác quản lý.

Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch sẽ quy hoạch 38 vị trí đón trả khách du lịch.

Ngoài ra, tùy theo nhu cầu thực tế khai thác du lịch của thành phố thì có thể bổ sung xây dựng các bến du lịch có kết cấu phù hợp dọc trên tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, vị trí có thể ở khu vực Biển Đông Resort, Bãi tắm công cộng: Mỹ Khê, Sao Biển .. bằng hình thức xã hội hóa, để có thể đón khác từ bãi biển ra bãi lặn san hô hoặc có thể đi các nơi khác.

Đồng thời quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch trên các sông: sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện (đoạn qua địa phận Đà Nẵng), sông Quá Giáng (Bầu Sấu), sông Cổ Cò.

Hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa đối với các tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý (đã được trang bị hệ thống phao tiêu, tín hiệu, báo hiệu theo quy hoạch) sẽ được hiện đại hóa từng bước theo các quy hoạch từng tuyến sông và từng dự án cụ thể của Trung ương. Đối với các tuyến đường thủy nội địa do thành phố quản lý định hướng đến năm 2020 đều được trang bị hệ thống phao tiêu, báo hiệu giao thông đường thủy đầy đủ theo quy chuẩn ngành QCVN 39:2011/BGTVT.

Quy hoạch, xây dựng một số tuyến kè bảo vệ bờ trên sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, Sông Yên, sông Vĩnh Điện, Quá Giáng và Cổ Cò nhằm mục đích bảo vệ bờ sông, tạo cảnh quan cho khu đô thị ven sông.

Dự kiến nguồn vốn để thực hiện quy hoạch trên được huy động từ các nguồn lực đầu tư như: vốn ngân sách trung ương để đầu tư nâng cấp đối với các tuyến đường thủy nội địa do Trung Ương quản lý, nguồn vốn ngân sách thành phố để đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng như: Khảo sát, thiết lập, công bố luồng tuyến đường thủy nội địa, nạo vét, duy tu, trang bị phao tiêu báo hiệu cho các tuyến đường thủy nội địa, đầu tư và cải tạo các tuyến kè ven sông và một số dự án dân sinh cấp thiết khác (dự kiến đến năm 2020 khoảng 200 tỷ đồng); vốn huy động của doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch chính của thành phố, các cảng, bến phục vụ cho khách du lịch riêng của các doanh nghiệp, đầu tư phương tiện vận tải; nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, việc quy hoạch nhằm đảm bảo phát huy tối đa lợi thế của vận tải thủy nội địa kết nối thuận lợi với các phương thức vận tải đường bộ, đường biên nhằm thúc đẩy ngành du lịch của thành phố.

Quy hoạch phát triền giao thông thủy nội địa thành phố Đà Nẵng theo hướng tận dụng mạng lưới sông kênh hiện có đồng thời chú trọng cải tạo nâng cấp một cách hợp lý để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch, đảm bảo khả năng giao thông thông suốt trong phạm vi thành phố, giữa T.p Đà Nẵng và các tỉnh khác của khu vực.

Đảm bảo sự phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới đường thủy nội địa, bao gồm quy hoạch chuẩn tắc luồng lạch, quy hoạch mạng lưới cảng, bến cũng như định hướng phát triển đội tàu thủy nội địa.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đường thủy nội địa gắn kết với mạng lưới đường bộ, cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn. Đối với các công trình vượt sông phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phù hợp cấp luồng được quy hoạch.

Phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của thành phố; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, các thiết chế văn hóa, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông. Góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại những nơi hình thành các tour du lịch, điềm đến du lịch đường sông.

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư (đặc biệt sử dụng nguồn vốn ODA, WB v.v...) để phát triển cơ sở hạ tầng. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và tham gia kinh doanh vận tải. Két hợp hài hòa giữa phát triên giao thông đường thủy nội địa với thủy lợi, thủy sản và an ninh quôc phòng.

Phát triển đội tàu phù hợp với điều kiện luồng lạch, có tính năng kỹ thuật cao, bảo đảm an toàn vận tải và bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2018 chuẩn hóa đội tàu phù hợp với các mẫu thiết kế gam tàu du lịch phổ biến trên thế giới.

Các tàu có trọng tải lớn hơn theo quy hoạch nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của bến càng, phù hợp với điều kiện mực nước, luồng lạch (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn được xem xét cấp phép cho từng tnrờng hợp cụ thể trên cơ sở nhu cầu vận tải hành khách và các yếu tố cảnh quan, an toàn đường thủy nội địa khác.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)