Sau hơn hai năm kể từ ngày khởi công (tháng 9/2014), tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, niềm mong đợi bấy lâu của nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thành hiện thực, bởi việc đi lại nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn.
Cầu cạn số 5 dài gần một km trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới.
Đây là tuyến đường có thời gian thi công ngắn, tính từ ngày khởi công là hơn hai năm, nhưng thời gian xây dựng chỉ có 18 tháng là hoàn thành, đưa vào sử dụng. Sau lễ khởi công, chủ đầu tư và chính quyền địa phương tiến hành cắm mốc xác định vị trí tuyến đường đi qua. Những ngày đầu, không ít người nghi ngại, tuyến đường đi qua địa hình đồi núi trùng điệp, sông suối, nương bãi thì khó có thể hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Với sự nỗ lực giải phóng mặt bằng của hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, giám sát chặt chẽ về tiến độ và chất lượng của Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư huy động tối đa lực lượng và phương tiện, thi công một cách chuyên nghiệp cho nên đã đưa tuyến đường vào sử dụng từ những ngày đầu năm 2017 trong sự vui mừng của nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn dài 87 km, mặt đường hẹp, nhiều đoạn quanh cua, xuống cấp, mật độ đông, đi ô-tô mất hơn hai tiếng. Từ đầu năm 2017, tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới được đưa vào sử dụng, nền đường rộng 12 mét, mặt đường rộng 11 mét, tiêu chuẩn cấp III, dài 39,6 km, rút ngắn gần 10 km so với quốc lộ 3, vận tốc tối thiểu 60 km/giờ. Đi từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn và ngược lại, nay chỉ hơn tiếng đồng hồ.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới như một dải lụa, men theo các sườn đồi núi, rừng trồng, sông suối, nương bãi, trực tiếp khai thác lợi thế lâm nghiệp huyện Chợ Mới. Ở huyện Chợ Mới, nơi có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh Bắc Cạn, diện tích cho khai thác mỗi năm khoảng hai nghìn ha, khó nhất là vận chuyển về Thái Nguyên tiêu thụ, người thu mua thường vin đường xa, mất nhiều thời gian vận chuyển nên mua gỗ của nông dân với giá thấp. Nay có tuyến đường mới, bán gỗ được giá cao hơn, mang lại nguồn thu cho nông dân lớn hơn, là động lực để nông dân phát triển rừng trồng.
Tuyến đường kề ngay hàng rào Khu công nghiệp Thanh Bình, khu công nghiệp duy nhất của tỉnh Bắc Cạn. Tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp này. Hưởng lợi nhiều nhất từ tuyến đường có lẽ là Công ty cổ phần Sahabak tại Khu công nghiệp Thanh Bình, đây là doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ, sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu. Giám đốc Công ty cổ phần Sahabak Lê Viết Thắng vui mừng: Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đưa vào sử dụng giúp vận chuyển sản phẩm thuận tiện hơn, ngắn hơn, thời gian ít hơn nên chúng tôi có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Bắc Kạn có hồ Ba Bể, khu du lịch sinh thái, cảnh quan hấp dẫn, nhưng trước đây chưa thu hút được nhiều khách du lịch, vì từ Hà Nội lên mất sáu tiếng, Thái Nguyên lên mất bốn tiếng, nay đi lại dễ dàng hơn, rút xuống còn 2/3 thời gian nêu trên thì sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải cho biết: Từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặc biệt là Thái Nguyên - Chợ Mới được đưa vào sử dụng đã “kéo” Bắc Cạn gần hơn Thái Nguyên và Hà Nội. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng về lâm nghiệp, khoáng sản và du lịch để Bắc Kạn phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn và bền vững hơn.
Trong chuyến làm việc với tỉnh Bắc Kạn mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn dài 30 km, nối với tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới với tiêu chuẩn tương tự sẽ được xây dựng trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Cạn.