Dọc tuyến Quốc lộ 14D, 14B nối từ cảng Tiên Sa, qua Nam Giang lên đến cửa khẩu Đắc Ốc, nhiều điểm dân cư, trung tâm thương mại dịch vụ nở rộ, tiềm năng phát triển công nghiệp của nhiều vùng đất cũng được đánh thức...
Men theo Quốc lộ (QL) 14D, vượt qua khỏi Dốc Khờ (tên con dốc do người dân địa phương đặt), chúng tôi đặt chân đến thôn Pà Lừa - nơi sầm uất nhất của xã Tà Pơơ, Nam Giang. Trên đoạn đường chỉ khoảng 50m, hàng chục điểm kinh doanh hàng tiêu dùng, ăn uống mọc lên. Thấy một quầy “tổng hợp” bày bán hàng tiêu dùng, chúng tôi ghé vào nghỉ chân. Giữa giờ chơi, học sinh ùa ra mua, chị Huỳnh Thị Thao - chủ quán vẫn xởi lởi trò chuyện về công việc và gia cảnh của mình. Chị vốn quê xã Đại Hiệp (Đại Lộc), hai vợ chồng làm “nghề đụng” (đụng chi làm nấy - PV), thu nhập bấp bênh, không đủ nuôi con ăn học nên năm 2013, anh chị quyết định lên Pà Lừa thuê lại căn nhà của một giáo viên nghỉ hưu đặng kiếm kế sinh nhai. “Cách đây 2 năm, người đến ở trọ trong thôn này khá đông, nhất là công nhân thi công thủy điện Sông Bung 4. Nhờ đó việc kinh doanh rất thuận lợi, có khi tới khuya vẫn có công nhân tới mua áo quần. Chừ họ đã xong việc và rút khỏi đây rồi, hàng hóa không còn bán chạy như xưa nữa” - chị Thao tâm sự.
QL14D qua địa bàn Nam Giang, kéo dài lên biên giới Việt - Lào.
Không như chị Thao, anh Hoàng Minh Vũ đã gắn bó với vùng cao Nam Giang suốt 20 năm, kể từ ngày chàng trai trẻ tạm xa phường Cẩm Phô (Hội An) lên làm công nhân thi công đường công vụ trên tuyến ĐT606, để sau thành QL14D. Tại xã Tà Pơơ, anh lấy vợ người địa phương, làm nhà rồi mở quán bún mỳ tại vùng cao này. Anh Vũ cho biết: “Hơn 10 năm trước, khu vực này vắng vẻ lắm. Từ khi mở QL14D, dân cư khắp nơi, kể cả ngoài Nam Giang kéo nhau về sinh sống tại Pà Lừa, hàng quán mọc san sát”.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, Dự án QL14D được đầu tư mạnh từ năm 2000 từ Bến Giằng (xã Cà Dy, Nam Giang) lên đến biên giới dài 74km, với gần 500 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Công trình có điểm đầu kết nối đường Hồ Chí Minh, thi công tới năm 2005 mới xong, để ngày 21.2.2006, Quảng Nam và Sê Kông (Lào) chính thức khai trương cửa khẩu Đắc Ốc.
Kể từ ngày có QL14D, hạt bắp, nải chuối về xuôi có giá trị cao hàng chục lần so với khi còn cách trở giao thông. Hạt muối, con cá tươi từ dưới biển, mặt hàng tiêu dùng hay đồ gia dụng đắt tiền cũng đưa lên dễ dàng. Những chuyến xe khách xuôi ngược lên tận biên giới Việt - Lào. Đường 14D mở ra cũng đã đưa dân cư tập trung đông đúc ở trung tâm xã Chà Vàl. Nơi đây, người dân ví như “trung tâm mua sắm” phục vụ nhân dân các xã vùng cao. Khoảng 1.000 nhân khẩu, hàng trăm quán ăn, cửa hàng tập trung tại thị tứ này…
Thời điểm năm 2003, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành cơ chế thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương. Chủ động đón “làn gió mới”, Đại Lộc lúc bấy giờ lập tức khoanh vùng để “định vị” phát triển các CCN, dựa vào đồi núi ven QL14B đang triển khai thi công. Năm 2004, QL14B nối từ cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) đến điểm giao đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) hoàn thành. Riêng đoạn qua Quảng Nam dài 41,8km. Hai bên tuyến qua địa bàn Đại Lộc, các CCN lần lượt ra đời. Huyện quyết tâm thu hút đầu tư vào CCN để khai thác lợi thế gần cảng biển Tiên Sa, sân bay Đà Nẵng, rất thuận lợi vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vừa dễ chuyên chở sản phẩm làm ra. CCN đã đóng góp vào ngân sách địa phương không nhỏ, tạo việc làm cho nhiều lao động” - ông Bùi Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm CCN huyện Đại Lộc cho biết. Đến nay, Đại Lộc hình thành 11 cụm CCN ven trục QL14B, tổng cộng 21 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh cùng 12 doanh nghiệp khác đang giai đoạn đầu tư với tổng vốn đăng ký 7.922 tỷ đồng. Các nhà máy hoạt động giải quyết việc làm cho 16.675 lao động.
Một sức sống mới bừng lên từ khi tuyến quốc lộ từ miền biển lên vùng tây của tỉnh hình thành. Nhờ có những con đường mà các thôn, nóc của vùng cao như gần hơn. Trong chiến lược phát triển vùng tây của tỉnh, tuyến huyết mạch này sẽ trở thành lợi thế của nhiều địa phương.