Những năm gần đây, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều đột phá mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa các vùng miền, là yếu tố quyết định đến kết quả phát triển KT - XH của các địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống mạng lưới giao thông, nhất là hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đang ngày càng hoàn thiện...
Xác định phát triển mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình kế hoạch, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông. Từ chủ trương thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, tạo môi trường thu hút đầu tư, Điện Biên đã sửa chữa, xây dựng những con đường mang tính làm đòn bẩy. Trong những năm qua, Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã thực hiện nhiều dự án giao thông lớn trên các tuyến quốc lộ 279, quốc lộ 12...
Đến nay nhiều dự án lớn đã hoàn thành như: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12 (đoạn TP. Điện Biên Phủ - Mường Chà); sửa chữa nền mặt đường quốc lộ 6 (đoạn Tuần Giáo - TX. Mường Lay); xây dựng đường Si Pa Phìn - Mường Nhé (Km 0 - Km 100+200)... phát huy rất tốt vai trò, động lực trong phát triển KT - XH và QP - AN tỉnh. Hiện nay, Điện Biên đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư các dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4H (đoạn Km0 - Km47 và Km147+200 - Km184+200 (bao gồm cả nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải); cải tạo nâng cấp quốc lộ 279B từ xã Nà Tấu - Mường Phăng; cải tạo nâng cấp quốc lộ 12 kéo dài đoạn Km194+529,50 - Km204+163,50 và tuyến tránh quốc lộ 279 đoạn qua thị trấn Mường Ảng... Các dự án này được triển khai, khi hoàn thành sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN, kết nối với các tuyến đường khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt, là động lực chính trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, y tế giáo dục, đưa các thông tin tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc.
Tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng hoàn thành tạo điều kiện cho người dân đi lại, thông thương.
Từ những nỗ lực trên, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã vươn khắp các huyện, xã tạo điều kiện để vùng sâu vùng xa nối gần trung tâm, giúp người dân đi lại thông thương trao đổi hàng hóa thuận lợi, kích cầu kinh tế phát triển. Kết quả toàn tỉnh có hơn 8.000km đường giao thông, có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 751km, trong đó mặt đường bê tông xi măng 68,2km, mặt đường bê tông nhựa 302km còn lại là mặt đường đá dăm láng nhựa. Toàn tỉnh có 20 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 600km; đường đô thị có hơn 200km. Nếu các hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ được ví như là “động mạch chủ” thì hệ thống “tĩnh mạch” là giao thông nông thôn cũng được đặc biệt quan tâm bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Hiện nay 116/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm, còn 14 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm nhưng vào mùa mưa ô tô không đến được trung tâm.
Ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, cho biết: “Để kinh tế, xã hội phát triển hơn nữa thì giao thông luôn được đầu tư đi trước một bước. Vì vậy ngành giao thông luôn nỗ lực phấn đấu để mạng lưới giao thông vươn khắp tới tận các bản làng”. Thể hiện rõ nét nhất là đã hoàn thành Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên giao Sở Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp thực hiện đề án, như kêu gọi vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn ODA, đa dạng các hình thức đầu tư... Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có gần 6.400km đường giao thông nông thôn, trong đó đã bê tông hóa và nhựa hóa được 705km, mặt đường cấp phối 672km còn lại hơn 5.000km đường đất. Chia sẻ về kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của ngành, ông Nguyễn Đình Giang nhấn mạnh, thời gian tới, ngành giao thông tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình các dự án trọng điểm của tỉnh theo chỉ đạo của Bộ và UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thành các dự án sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ, phát triển giao thông nông thôn, huy động nguồn lực ưu tiên triển khai các tuyến đường giao thông quan trọng khác, như: tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư thảm tăng cường lớp bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các tuyến đường cong có bán kính nhỏ, kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên tuyến quốc lộ 12; thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 279B (Nà Tấu - Mường Phăng). Đây là tuyến đường quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch đến tham quan khu di tích lịch sử Mường Phăng thuận lợi hơn...
Mạng lưới giao thông Điện Biên hôm nay đã cơ bản đáp ứng cho nhu cầu phát triển KT - XH, nhưng để ngày một hoàn thiện hơn, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Điện Biên tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư các công trình kết nối các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận. Song để phát triển mạng lưới giao thông rộng hơn nữa và đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn thì còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, những khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư, bất cập về cơ chế, chính sách… cần được rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp thực tế của từng địa phương. Các địa phương cũng cần tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách công tác này ở cấp huyện nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là các ban quản lý dự án đủ năng lực hoạt động theo quy định. Có như vậy, hệ thống giao thông mới sớm được hoàn thiện, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.