Với phương châm “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động”, năm 2017, ngành GTVT tỉnh Bình Định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (DA) giao thông trọng điểm, khôi phục mạng lưới giao thông sau lũ; đồng thời siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng.
Thi công nâng cấp, mở rộng QL1D.
Nhiều nỗ lực trong năm 2016
Trong năm 2016, Bình Định chịu tổn thất rất nặng nề do bị ảnh hưởng trực tiếp của 5 đợt lũ lụt, gây hư hỏng 128 km đường giao thông, sạt lở nặng 310 điểm giao thông, 110 cống tiêu thoát nước và 44 cầu bị hư hỏng, sập hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính trên 420 tỉ đồng. Sau khi mưa lũ rút, Sở GTVT Bình Định đã khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt. Hiện, Sở đang tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh để tìm nguồn vốn tái thiết hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH.
Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết: “Để đảm bảo giao thông thông suốt, trong năm 2016, ngành GTVT đã tích cực sửa chữa thường xuyên 12 tuyến tỉnh lộ dài 455 km và bảo trì, bảo dưỡng 3 tuyến quốc lộ (QL) do Bộ GTVT ủy thác với chiều dài 116,5 km. Sở đã đôn đốc, phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai bê tông hóa giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 298 km, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được bê tông hóa toàn tỉnh đạt 4.451 km. Nhiều vị trí điểm đen tai nạn giao thông được rà soát, xóa bỏ; góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí”.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, Sở GTVT đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, giám sát các công trình giao thông trọng điểm gồm: DA nâng cấp, mở rộng QL1D, QL19, xây dựng đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội kéo dài (giai đoạn 1), đường phía Tây tỉnh đoạn từ Km130-Km137+580... Trong năm, các DA giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 661 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, DA nâng cấp, mở rộng QL1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn đã thực hiện giá trị thi công trên 158 tỉ đồng; dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối tháng 4/2017.
Ngoài ra, công tác quản lý phương tiện vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đào tạo người điều khiển phương tiện thủy nội địa được ngành quan tâm. Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách ngày càng đi vào nề nếp; tình trạng vi phạm tốc độ, bỏ chuyến, bỏ bến, “xe dù, bến cóc” cơ bản được kiểm soát. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ được triển khai quyết liệt. Lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với các lực lượng liên ngành xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2017
Năm 2017, ngành GTVT tỉnh Bình Định tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe; phấn đấu tăng trưởng bình quân 8-9% về sản lượng hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2016. Thực hiện Năm an toàn giao thông với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông ít nhất 10% trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm; nỗ lực thực hiện có hiệu quả các DA thuộc nguồn vốn ODA về tái thiết hệ thống hạ tầng giao thông sau lũ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành GTVT Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã chỉ đạo: Trong năm 2017, Sở GTVT cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành trong đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải. Tập trung mọi nguồn lực để khôi phục, khắc phục kịp thời các hư hỏng do ảnh hưởng của mưa lũ, đảm bảo giao thông thông suốt. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt về tiến độ, chất lượng công trình nâng cấp, mở rộng QL1D đoạn từ ngã ba Long Vân đến Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn và DA xây dựng QL19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao QL1. Phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và thực hiện có hiệu quả gói tái thiết hệ thống giao thông sau mưa lũ.
Theo ông Đỗ Nguyên Đức, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công sớm hoàn thành các DA giao thông trọng điểm; nhanh chóng xây dựng kế hoạch và tìm kiếm nguồn vốn để khôi phục, bảo trì mạng lưới giao thông sau lũ. Trước mắt, ngành GTVT ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông bị hư hỏng nặng như: cầu Dịch Nghi, cầu Trắng, nâng cấp mặt đường đoạn từ Km9+500-Km111+245 thuộc tuyến Tỉnh lộ 639B; sửa chữa tuyến Tỉnh lộ 635 cũ kết nối QL1 với QL19B; nâng cấp các đoạn tràn trên tuyến Tỉnh lộ 629, Tỉnh lộ 640... Chú trọng công tác quản lý chất lượng thi công thông qua việc nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia DA; tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng thi công, kiên quyết xử lý các nhà thầu không đảm bảo năng lực tài chính, thi công kém chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu tiến độ thi công công trình.