Kể từ khi Chính phủ quyết định dừng đầu tư Cảng nước sâu Kê Gà ở huyện Hàm Thuận Nam, việc thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn nhất định. Để kịp thời giải quyết nhu cầu cấp thiết về cảng nước sâu phục vụ xuất nhập hàng hóa, Bình Thuận đã triển khai xây dựng Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Sau thời gian xây dựng, những ngày cuối năm 2016, bến cảng 3.000 tấn đầu tiên của Bình Thuận đã hoàn thành và hiện đã sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Cảng tổng hợp Vĩnh Tân
Bến cảng 3.000 tấn Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã hoàn thành
Chủ đầu tư đang tiếp tục thi công bến cảng 30.000 tấn
Những ngày qua, không khí thi công tại công trường Cảng tổng hợp Vĩnh Tân rất khẩn trương với hơn 200 cán bộ, kỹ sư, lao động làm việc mỗi ngày. Tại khu vực bến cảng 3.000 tấn, đơn vị thi công đã hoàn tất các hạng mục chính và đang san gạt mặt bãi và đường dẫn để có thể đón những chuyến hàng xuất nhập vào những ngày tới theo kế hoạch. Bên cạnh đó, bến cảng 30.000 tấn cũng đã được thi công phần cọc hơn 80%. Đây là 2 bến cảng thuộc giai đoạn 1 của Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha, có tổng mức đầu tư là 72.300 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân – Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư.
Ở giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng thêm 1 bến cảng 50.000 tấn để đón những chuyến tàu tải trọng lớn. Theo dự báo, nhu cầu vận chuyển xuất, nhập hàng hóa ở tỉnh Bình Thuận và các khu vực lân cận qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân năm 2017 là 3,8 triệu tấn và đến năm 2020 vào khoảng 6,3 triệu tấn. “Cảng tổng hợp Vĩnh Tân hoàn thành có ý nghĩa rất lớn trong phát triển công nghiệp tỉnh nhà, chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác để khai thác, vận hành cảng trong quý I/2017 này” - ông Thái Khánh Ngọc – Trưởng ban Quản lý dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân cho biết. Nhận định về tính hiệu quả khi đưa Cảng tổng hợp Vĩnh Tân vào hoạt động, ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng: “Tỉnh Bình Thuận đang tập trung phát triển các khu công nghiệp nhưng 1 thời gian dài không có cảng để xuất hàng ra ngoài, hàng hóa phải đi vào Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất đi nên việc cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng khi Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận sẽ thuận lợi hơn”.
Có thể nói, việc hoàn thiện và đưa bến cảng 3.000 tấn ở giai đoạn 1 vào hoạt động đầu năm 2017 có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy đưa kinh tế công nghiệp của Bình Thuận phát triển lên 1 tầm cao mới. Đồng thời kinh tế huyện Tuy Phong trong thời gian tới hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ, nhất là khi Khu công nghiệp Tuy Phong lấp đầy các nhà đầu tư.