Một số tuyến đường trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển không gian đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái đã được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng như: đường Yên Bái - Khe Sang, đường Nguyễn Tất Thành, đường Âu Cơ, đường Hoàng Thi...
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông… Đó là những giải pháp tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững trong tình hình mới.
Từ chủ trương, giải pháp đúng hướng, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII), kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, tạo cho tỉnh Yên Bái một diện mạo mới.
Đặc biệt, việc phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được xây dựng tăng thêm trên 2.250km với tổng kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.
Trong đó, đường đô thị tăng gần 80km, đường giao thông nông thôn tăng trên 2.150km; nhiều cây cầu vượt sông Hồng lần lượt được triển khai xây dựng như: cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm... Đặc biệt, một số tuyến đường trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển không gian đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng như: đường Yên Bái - Khe Sang, đường Nguyễn Tất Thành, đường Âu Cơ, đường Hoàng Thi...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn một số khó khăn như: công tác lập quy hoạch, đề án nâng cấp đô thị còn hạn chế; tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án, công trình mới còn chậm; nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn ít; nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cân đối được nguồn lực đầu tư...
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiến tới xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, tỉnh Yên Bái quyết tâm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 bằng những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, tỉnh đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện nâng cấp Q uốc lộ 37, đoạn Km280 - Km340 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
Đặc biệt, để tạo mối liên kết vùng, địa phương, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như: đường nối quốc lộ 70 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Khánh Hòa - Văn Yên; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nghĩa Lộ - Mậu A...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông đô thị hiện có theo hướng đồng bộ, kết hợp với xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như: bến, bãi đỗ xe... đồng thời nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đường đô thị tại các trung tâm huyện lỵ, đặc biệt là các đô thị vệ tinh như thị trấn Yên Bình, thị trấn Cổ Phúc, thị trấn Mậu A. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hết năm 2020 kiên cố hóa được ít nhất 435 km đường bê tông xi măng; mở mới, mở rộng ít nhất được 600 km đường đất với bề rộng tối thiểu 3,5m.
Đối với lĩnh vực đường sắt, tỉnh Yên Bái đề nghị với Trung ương sớm đầu tư hoàn thành cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng vào cấp kỹ thuật và đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống hiện có; phối hợp thực hiện xoá bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh, xây dựng hệ thống đường ngang có phòng vệ, đường gom, rào cách ly, rào bảo vệ hành lang an toàn, chỉnh trang các ga hành khách.
Trong lĩnh vực đường thủy, tỉnh phát triển vận tải đường thủy nội địa, khai thông luồng lạch đường thủy sông Hồng từ Yên Bái - Lào Cai bảo đảm thông tuyến cho xà lan 200 tấn hoạt động, từng bước xây dựng hệ thống bến cảng trên sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu công nghiệp...
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư phát triển giao thông nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên và lợi thế về địa lý của địa phương.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, tỉnh tăng cường vận động, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải theo quy định của Nhà nước; huy động và lồng ghép các nguồn lực cho phát triển giao thông nông thôn bằng các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là sự đóng góp của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, lâm sản..