Ngày 21/2, tại huyện Văn Lâm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hưng Yên phối hợp với huyện Văn Lâm tổ chức hội nghị bàn giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt qua tỉnh Hưng Yên. Ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 18,6km đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng với 2 ga: Lạc Đạo và Tuấn Lương, đi qua 7 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Văn Lâm.
Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 19/QCPH – BGT – UBND ngày 28/6/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh đã xóa bỏ 31 đường ngang, lối đi dân sinh; cứng hóa 27 vị trí đường ngang trọng yếu, duy trì 6 tổ tự quản tại các vị trí đường ngang, đường dân sinh…
Qua đó, trong các năm 2013 - 2014 tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh giảm.
Tuy nhiên, năm 2016 tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh gia tăng so với cùng kỳ 2015; toàn tỉnh xảy ra 12 vụ (tăng 200% số vụ), làm chết 6 người (tăng 500% số người chết), làm bị thương 5 người (tăng 400% người bị thương).
Những tháng đầu năm 2017, tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Km21+113 (giao cắt ĐH12B) và Km35+860 làm chết 1 người, bị thương 2 người.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 51 đường ngang và đường dân sinh; trong đó có 10 đường ngang đã lắp đặt 5 dàn chắn, cần chắn; có 5 vị trí thuộc cổng ra vào của doanh nghiệp do doanh nghiệp cử người gác; có 2 vị trí lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động…
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh đề nghị: Cục Đường sắt Việt Nam cần nâng cấp, đầu tư đường ngang tại Km21+113 (giao với đường ĐH12B vào thôn Đình Dù) thành đường ngang có phòng vệ biển báo, cảnh báo tự động. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập dự án xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt đi qua tỉnh.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần xây dựng 650m đường gom (từ Km17+300-Km17+950); xóa bỏ 4 lối đi dân sinh; lắp đặt hệ thống cảnh báo, cảnh giới tại 14 vị trí đường ngang thuộc quy hoạch của ngành Đường sắt Việt Nam quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho tàu chạy và an toàn cho người dân.
Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải cần phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Văn Lâm lập kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT đường sắt, tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa tại các vị trí tiếp giáp giữa tấm đan với đường sắt và đường bộ để bảo đảm phương tiện qua đường ngang an toàn...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm phối hợp với tỉnh có phương án xây dựng đường gom dân sinh. 14 vị trí đường ngang thuộc quy hoạch của hệ thống đường sắt nhưng chưa có hệ thống cảnh báo, cảnh giới đề nghị các đơn vị trong tháng 3/2017 tiếp tục phối hợp với tỉnh rà soát lại các điểm cần thành lập các tổ cảnh giới, tổ tự quản.
Ban ATGT tỉnh và Sở Tài chính phối hợp xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho lực lượng cảnh giới, tổ tự quản.
Huyện Văn Lâm tập trung ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt, xây dựng tổ tự quản, đường ngang dân sinh bảo đảm cho người và phương tiện qua lại; nghiên cứu xây dựng tuyến tường gom chạy dọc theo tuyến đường sắt. Sở Giao thông vận tải xây dựng gờ giảm tốc trên các tuyến đường được phân cấp quản lý.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng và đại diện các Sở, Ngành liên quan của tỉnh đã đi thực địa tại một số tuyến đường ngang dân sinh trên địa bàn huyện Văn Lâm.