Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT đường thuỷ (Công an tỉnh), hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 500 phương tiện thuỷ vận chuyển hành khách tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và trên 7.000 tàu đánh bắt cá, khai thác thuỷ hải sản có công suất từ 20CV đến 90CV trở lên. Với số lượng phương tiện vận tải thuỷ lớn cùng với việc luồng tuyến tương đối phức tạp nên công tác đảm bảo ATGT là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần.
Lực lượng Thanh tra giao thông thuỷ (Sở GTVT) và Cảng vụ Đường thuỷ nội địa
kiểm tra công tác an toàn trên tàu chở khách tham quan Vịnh Hạ Long
Đại tá Đặng Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT đường thuỷ cho biết: “Hằng năm, trước khi vào mùa mưa bão, chúng tôi đều tiến hành rà soát, kiểm đếm các phương tiện vận tải hành khách, đánh bắt thuỷ hải sản trên địa bàn để nắm bắt tình hình thực tế xem phương tiện nào đã đăng ký, đăng kiểm còn đảm bảo chất lượng để hoạt động hay không. Thông qua số liệu đó, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ phương tiện, doanh nghiệp quản lý chủ động sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thêm những trang thiết bị an toàn để đảm bảo tàu hoạt động tốt, đồng thời tập huấn cho họ những kiến thức về phòng, chống mưa giông bất ngờ khi đang lưu thông”.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, các phương tiện vận tải hành khách đi tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long hay các tuyến đảo hiện nay đã được nâng cấp và đảm bảo độ an toàn, tuy nhiên không vì thế mà các cơ quan chức năng lơ là. Để các chủ phương tiện, doanh nghiệp có ý thức chấp hành quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa, Phòng CSGT đường thuỷ thường xuyên phối hợp với Cảng vụ Đường thuỷ nội địa tiến hành kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện. Qua công tác kiểm tra sẽ tiến hành tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ cho người dân và chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng kiên quyết xử lý những phương tiện không thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Theo ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ Đường thuỷ nội địa Quảng Ninh cho biết: “Mùa mưa bão đang đến gần nên công tác quản lý về an toàn cho các phương tiện thuỷ đòi hỏi phải chặt chẽ hơn. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm tra công tác an toàn các cảng bến, phương tiện... Đối với các phương tiện thuỷ hiện nay chưa tiến hành đăng ký, đăng kiểm, chúng tôi yêu cầu phải thực hiện đầy đủ nếu không sẽ dừng không cho lưu thông”.
Đối với công tác quản lý các phương tiện vận tải thuỷ đánh bắt thuỷ hải sản có khó khăn hơn do nhận thức của người dân chưa được nâng cao, đặc biệt, họ vẫn có tâm lý chủ quan và cho rằng việc đăng ký, đăng kiểm là chưa cần thiết, đặc biệt là đối với các tàu thuyền có công suất dưới 50CV. Hầu như những phương tiện này đều được đóng theo kinh nghiệm nên sau một thời gian đưa vào sử dụng đều có dấu hiệu xuống cấp, nếu đi đăng ký, đăng kiểm sẽ phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, chính vì vậy ngư dân rất ngại đi. Cũng theo ông Hà Văn Giang, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT: “Các phương tiện thuỷ không chấp hành việc đăng ký, đăng kiểm theo quy định chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, đồng thời yêu cầu các trạm đăng kiểm tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra nơi tránh trú bão cho phương tiện để đảm bảo an toàn khi các tàu vào tránh trú” - ông Giang cho biết.
Đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa trong mùa mưa bão luôn được các cơ quan chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm. Để siết chặt công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn.