Ngày 20/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho thí điểm hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các cảng biển quốc tế khu vực TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép – Thị Vải (huyện Tân Thành) để xuất khẩu. Theo đánh giá của các DN cảng, chủ trương trên không chỉ góp phần tăng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, mà còn thúc đẩy dịch vụ sau cảng phát triển.
Vận chuyển hàng hóa trong cảng Tân Cảng - Cái Mép
Trước đó, Điều 44 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về thực thi Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa trung chuyển là hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu vực trung chuyển, sau đó được đưa ra nước ngoài trực tiếp từ khu vực trung chuyển này; không được vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam để xuất khẩu qua cửa khẩu khác”. Quy định này đã dẫn đến tình trạng các cảng trung chuyển quốc tế ở khu vực Cái Mép - Thị Vải “đói” hàng, trong khi các cảng biển quốc tế khu vực TP.Hồ Chí Minh lại thường xuyên quá tải. Không những thế, quy định này còn hạn chế số lượng hàng hóa trung chuyển qua lại giữa các cảng trong lãnh thổ Việt Nam và ảnh hưởng đến nhu cầu trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế của các hãng tàu.
Việc Phó Thủ tướng cho phép thí điểm hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các cảng biển quốc tế khu vực TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép – Thị Vải được các DN cảng cũng như các hãng tàu, chủ hàng hoan nghênh. Bởi, theo đánh giá của DN, chủ trương này giúp tạo ra sự linh hoạt trong kinh doanh cảng thông qua việc tận dụng triệt để công suất các cảng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đánh giá: “Việc thí điểm hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các cảng biển quốc tế tạo rất nhiều thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng. Đồng thời, tạo nguồn hàng lớn cho cụm cảng Cái Mép hoạt động. Đơn cử như tại khu vực Cái Mép, khi có tàu lớn vào làm hàng trung chuyển quốc tế tuyến châu Âu, cùng đó tại cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) cũng đang có những container chờ xuất khẩu đi châu Âu.
Nếu như trước đây, không cho phép vận chuyển các container hàng này về Cái Mép, mà phải chờ tàu vào Cát Lái để bốc, nhưng nay có thể vận chuyển về Cái Mép để xuất đi châu Âu. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ hàng”. Theo ông Phúc, trước đây, hàng trung chuyển quốc tế khi về Việt Nam phải chọn cảng có tuyến tàu đi phù hợp với hàng cần đến, nay việc đó không còn lo nữa vì có thể vận chuyển hàng trung chuyển giữa các cảng. “Với chính sách mới này, chúng tôi kỳ vọng nguồn hàng về khu vực Cái Mép sẽ nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), hiện hàng tuần, các cảng khu vực Cái Mép tiếp nhận 19 tuyến tàu mẹ đi đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và châu Á. 19 tuyến tàu mẹ này không vào tập trung một cảng, mà cập đan xen vào các bến cảng trong khu cảng Cái Mép như CMIT, TCIT, TCTT. Do vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa các bến trong khu cảng Cái Mép rất cao. Từ thực tế này, việc Chính phủ cho phép vận chuyển hàng hóa trung chuyển giữa các cảng biển quốc tế khu vực TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải sẽ rất thuận lợi cho các hãng tàu, chủ hàng và chủ cảng. Qua đó giúp sản lượng hàng trung chuyển tại Cái Mép tăng; đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển dịch vụ logistics và vận chuyển hàng hoá trong khu vực.
Hiện nay, các cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải đã đón được những tàu mẹ có tải trọng trên 100 ngàn tấn ra vào làm hàng trung chuyển quốc tế. Vì vậy, việc hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các cảng biển quốc tế sẽ giải quyết bài toán ùn ứ hàng hóa tại các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và tăng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh nhận định: “Chính sách mới của Chính phủ sẽ giúp hàng trung chuyển quốc tế lưu thông dễ dàng. Dự báo, lượng hàng hóa về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm như vận tải hàng hóa, lưu kho bãi cũng sẽ phát triển”.