Hải Dương có 14 tuyến sông Trung ương (sông Thái Bình, Luộc, Kinh Thầy...) cùng 6 tuyến sông địa phương (sông Sặt, Cửu An, Đình Đào, Tứ Kỳ...) với tổng chiều dài khoảng 430 km. Hệ thống sông Thái Bình chảy qua Hải Dương nối với hệ thống sông Hồng qua sông Đuống ở thượng lưu và sông Luộc phía hạ lưu tạo thành các tuyến đường sông quan trọng nối Hải Dương với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc. Tổng chiều dài các tuyến sông đã được sử dụng vào mục đích vận tải khoảng 393,5 km.
Nhiều năm qua, việc khai thác hệ thống đường thủy nội địa (ĐTNĐ) của Hải Dương chưa hiệu quả do hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hoạt động vận tải, bốc xếp hàng hóa trên các tuyến ĐTNĐ chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế. Vì vậy, sức ép vận tải lên hệ thống đường bộ vẫn còn rất lớn. Hoạt động của hệ thống ĐTNĐ chủ yếu phải dựa vào điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến tốc độ và khối lượng lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Ngoài ra, khả năng khai thác vận tải trên các tuyến ĐTNĐ còn hạn chế do các dòng sông, tuyến kênh có chiều rộng không lớn, lòng sông bị phù sa bồi lắng; các bến bãi chưa được cải tạo, nạo vét định kỳ. Trên một số tuyến sông có tĩnh không cầu thấp, khẩu độ hẹp, nhiều âu, đập. Mực nước giữa mùa lũ và mùa kiệt chênh lệch lớn, độ sâu chạy tàu thấp.
Đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng khẳng định, những năm qua, hoạt động vận tải trên các tuyến sông từ Hải Dương ra Hải Phòng, Quảng Ninh còn nhiều hạn chế. Lòng sông nhỏ, đáy sông cao do cát bồi lấp nên việc vận chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Đơn cử như các tuyến kênh từ Hải Phòng theo sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Chanh vào sông Kinh Thầy, Mạo Khê… đi vào cảng của các Nhà máy xi măng: Phúc Sơn, Hoàng Thạch, Phú Tân có luồng tuyến phức tạp. Một số đoạn có luồng thay đổi chiều sâu, nhiều đoạn cong gấp và có bãi đá ngầm. Nhiều chuyến hàng chủ tàu phải tính toán chặt chẽ thời gian thủy triều lên xuống để đưa tàu vào bốc hàng. Dù lượng hàng qua Hải Dương nhiều nhưng các doanh nghiệp vận tải của tỉnh thường phải chở thuê cho các doanh nghiệp Hải Phòng, Hà Nội hoặc Quảng Ninh.
Hải Dương có hệ thống đường thủy nội địa thuận lợi song khai thác chưa hiệu quả
Ông Nguyễn Chính Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Hoà (Thanh Hà) chuyên kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng hóa qua các tuyến sông Hải Dương - Hải Phòng, Hải Dương - Quảng Ninh đã nhiều năm nay. Theo ông Hạnh, bến phục vụ hành khách trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, phương tiện chuyên chở hàng hóa trọng tải nhỏ, chủ yếu hoạt động nội tỉnh, không có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp tương tự ở địa phương khác. Hàng hóa chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng, cự ly vận chuyển ngắn, hiệu quả kinh tế không cao. Nếu hạ tầng đường thủy được quy hoạch phù hợp, nâng cấp bến bãi, khơi thông luồng lạch đủ điều kiện đưa đón tàu trọng tải lớn thì mới hy vọng vận tải thủy phát triển đồng bộ.
Khó khăn về hạ tầng đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận tải hàng hóa, hành khách, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy. Nhiều bến hoạt động không giấy phép, không biển báo hiệu, cầu neo đậu tàu, thuyền, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông ĐTNĐ.
Ông Nguyễn Công Thoại, Phó Giám đốc Cảng Cống Câu (TP Hải Dương) cho biết: Cảng Cống Câu hiện có 5 cầu tàu với năng lực bốc dỡ khoảng 300.000 tấn hàng hóa/năm. Hiện cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn. Tuy nhiên, do chưa được các cơ quan chức năng cấp phép nên cảng chỉ có thể tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 1.000 tấn. Vùng nước trước cảng cũng đã bị bồi lấp khá lớn nhưng chưa thể nạo vét, khơi thông do vướng rất nhiều quy định của tỉnh và các bộ, ngành liên quan. Vì vậy, đơn vị chưa đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống máy móc, phương tiện bốc dỡ có năng lực lớn hơn.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hầu hết các tuyến sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh đều đạt kỹ thuật ĐTNĐ cấp II, III, cho phép tàu, sà lan có trọng tải lên tới 1.000 tấn hoạt động dễ dàng. Hằng năm, khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,7 triệu tấn, chiếm khoảng 25% tổng lượng vận tải hàng hóa luân chuyển trong vùng.
Số lượng hàng hóa luân chuyển nói trên cho thấy tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác từ loại hình vận tải này có thể tăng cao gấp nhiều lần hiện nay nếu hạ tầng ĐTNĐ được quy hoạch, đầu tư phù hợp với tốc độ phát triển chung của giao thông đường bộ.