Sáng 17/5, nhánh bên trái của cầu vượt Gò Mây đã chính thức được khánh thành, đưa vào hoạt động. Công trình được hoàn thành trước tiến độ hơn 3 tháng.
Nghi thức cắt băng khánh thành cầu Gò Mây.
Việc hoàn thành và đưa vào hoạt động hai nhánh cầu vượt Gò Mây sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc cho giao lộ Quốc lộ 1-đường Lê Trọng Tấn-Nguyễn Thị Tú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào tháng 1/2017, nhánh bên phải cầu vượt nút giao thông Gò Mây đã được thông xe sau hơn 3 tháng thi công, vượt tiến độ hơn 2 tháng.
Việc đưa cả hai nhánh cầu vượt Gò Mây, với tổng vốn đầu tư 511 tỷ đồng, vào hoạt động sẽ giải quyết hiệu quả một trong những “điểm nóng” giao thông tại khu vực ngoại thành thành phố bởi tuyến đường Lê Trọng Tấn-Nguyễn Thị Tú - hai tuyến đường kết nối hai khu công nghiệp lớn Tân Bình và Vĩnh Lộc.
Tại lễ khánh thành, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM biểu dương tinh thần làm việc của đơn vị chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI).
"Sau lễ khánh thành, tôi đề nghị chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện phần mỹ thuật, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông tổ chức thông xe an toàn, vận hành đảm bảo chất lượng, tuổi thọ của công trình," Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa nói.
Thông xe cầu Gò Mây. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Theo thiết kế, đường vào mỗi nhánh của cầu vượt này dài hơn 538m, rộng 12,15m cho hai làn xe ôtô và một làn xe hỗn hợp lưu thông. Chiều dài đoạn nối từ đường hiện hữu vào đường dẫn lên cầu dài 181 mét.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông dọc theo tuyến Quốc lộ 1, từ ngã tư An Sương đến vòng xoay An Lạc.
Từ năm 2013 tới nay, đoạn tuyến Quốc lộ 1 đoạn An Sương-An Lạc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng 4/8 nút giao thông cầu vượt, còn 3 nút giao thông cần được tiếp tục nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới, gồm: Nút giao thông Quốc lộ 1-Thuận Kiều; nút giao thông Quốc lộ 1-đường số 7 và M1; nút giao Bình Chánh./.