Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhiều người vẫn còn thờ ơ với việc sử dụng phương tiện cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy (GTĐT). Để bảo đảm an toàn cho công tác này trước mùa mưa bão, nhiều đơn vị chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người đi đò.
Vẫn thờ ơ với dụng cụ cứu đắm
Nhiều năm nay, tại các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng chìm đò, chìm phà. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những người đi đò lại thờ ơ với việc mặc áo phao cứu hộ khi qua sông.
Có mặt tại bến đò An Sơn (xã An Sơn, TX.Thuận An) trong một ngày đầu tháng 6, theo ghi nhận của P.V, nhiều người đi đò không chịu mặc áo phao. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Tú, người dân thường xuyên đi lại tại bến đò An Sơn, cho biết: “Mỗi ngày tôi có hai lượt qua lại bến đò An Sơn, tôi thường xuyên chứng kiến nhiều người không chịu mặc áo phao. Nguyên nhân do áo phao đã cũ và bẩn nên nhiều người ngại mặc. Ngoài ra, nhiều người còn nghĩ rằng, thời gian qua đò chỉ vài phút là sang bờ bên kia nên không coi trọng việc sử dụng áo phao cứu hộ”.
Đề cập đến việc vận động khách lên đò, sang sông phải mặc áo phao cứu sinh, ông Lê Hoàng Khải, người quản lý bến đò An Sơn, cho rằng: “Thời gian qua, phần lớn khách lên đò, qua sông đều không chịu mặc áo phao cứu sinh. Chúng tôi bất lực trong việc vận động khách qua đò phải mặc áo phao. Khi chúng tôi ép buộc mặc áo phao liền bị họ phản ứng rất quyết liệt. Có khi nhân viên trên đò còn bị khách hăm dọa vì yêu cầu họ… mặc áo phao. Nghĩa là ý thức chấp hành Luật GTĐT nội địa của người dân hiện chưa cao”.
Tương tự, tại bến đò ngang Phú Cường, thuộc phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nối với xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh và bến đò ngang Bạch Đằng, thuộc xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên qua sông Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) còn khá nhiều hành khách sang sông không chịu mặc áo phao cứu sinh.
Tại các bến đò ngang này, chủ bến có trang bị áo phao cứu sinh, phao cứu sinh cầm tay. Tất cả dụng cụ này chỉ được chất thành đống trên các đò, phà ngang. Một thực tế hiện nay là số hành khách qua sông chấp hành việc sử dụng cứu hộ đường thủy chỉ đạt 5% so với số lượng người qua sông.
Nhiều khách qua sông tại bến phà Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên
không mặc áo cứu hộ, cầm phao cứu sinh
Ông Nguyễn Thành Nhơn, chủ bến đò Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một), than phiền: “Khi ý thức người dân còn chưa được nâng cao trong việc chấp hành mặc áo phao, cầm phao cứu sinh khi lên đò sang bến thì việc bắt buộc hành khách chấp hành trở nên khó khăn. Cụ thể, tại bến đò Phú Cường, nhân viên của bến đã vận động người sang bến phải chấp hành các nội quy; tuy nhiên phần lớn hành khách lại không chịu chấp hành. Trước mùa mưa bão đang đến gần, hiện chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hành khách qua đò mặc áo phao”.
Đẩy mạnh công tác an toàn giao thông đường thủy nội địa
Nhằm tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão năm 2017, thời gian qua Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tại các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đến với người dân. Đồng thời, các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung theo chuyên đề để tiến hành kiểm tra các bến đò ngang sang sông.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải Bình Dương, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trước mùa mưa bão đang đến gần. Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức cho các chủ bến đò ngang viết cam kết bảo đảm các tiêu chí của bến an toàn. Trong nội dung cam kết thể hiện rõ về các quy định và phương tiện máy móc và trang thiết bị phải đầy đủ, bảo đảm an toàn được kiểm định. Người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn; trách nhiệm của chủ bến phải trang bị áo phao và dụng cụ cứu đắm”.
Liên quan đến công tác phối hợp tổ chức kiểm tra, bảo đảm trật tự bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa bão năm nay, ông Nguyễn Đỗ Vũ cho hay: “Nhằm giảm thiểu tai nạn GTĐT nội địa trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 5/2017, Ban ATGT tỉnh đã thành lập đoàn công tác phối hợp kiểm tra liên ngành để đôn đốc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa tại các bến đò ngang sông trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra bước đầu, chúng tôi buộc 17 chủ bến và 26 người lái phương tiện ký cam kết không được chở quá số người theo quy định, chấp hành tốt Luật GTĐT nội địa. Tổng số phương tiện đã kiểm tra trong đợt này là 32 phương tiện. Qua kiểm tra cho thấy các phương tiện đều có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn thời hạn; 26 người lái phương tiện có bằng thuyền trưởng và có giấy chứng nhận chứng chỉ chuyên môn. Tuy nhiên, để công tác này đạt được kết quả cao trong mùa mưa bão, tới đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức đột xuất kiểm tra đối với các bến đò ngang trong lúc đưa khách sang sông”.
Được biết, trong đợt kiểm tra các bến thủy nội địa vừa qua, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu chủ bến Bù Cạp, thuộc ấp Rạch Bắp, xã An Tây, TX.Bến Cát tạm ngưng hoạt động vì có liên quan đến giấy tờ cấp phép đối với chủ bến này. Theo đó, trước ngày chủ bến Bù Cạp chưa được cơ quan chức năng cấp phép trở lại, chủ bến không được đưa phương tiện vào bến để đưa rước khách sang sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh, cho biết Bình Dương hiện có 18 bến đò ngang sang sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sau nhiều đợt phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác trật tự, ATGT đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sang sông trên địa bàn tỉnh cho thấy: 18 bến đò ngang sang sông đã đáp ứng đủ các điều kiện để vận chuyển hành khách sang sông. Tuy nhiên, tình trạng người dân sang sông vẫn còn thờ ơ với việc mặc áo phao cứu sinh theo quy định. Điều đáng nói là chỉ khi có lực lượng liên ngành tổ chức kiểm tra thì hành khách mới chịu mặc áo phao, cầm đồ cứu sinh trên tay. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bến đối lưu với Bình Dương, không thuộc ngành chức năng của tỉnh quản lý, vẫn mang tính tạm bợ, rất thô sơ. Vì thế, đây chính là nguy cơ tiềm ẩn về việc mất an toàn khi đưa hành khách qua sông, nhất là trong mùa mưa bão đang đến gần.