Là một huyện vùng cao, địa hình bị chia cắt bởi những núi non và sông suối, nên việc xây dựng và phát triển hệ thống đường giao thông ở Quỳ Châu gặp không ít khó khăn, vì vậy, thời gian gần đây địa phương đã huy động nguồn kinh phí đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó giao thông được ưu tiên hàng đầu.
Cầu Sông Hiếu, xã Châu Hội (Qùy Châu) vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Công Kiên
Lên Quỳ Châu lần này, chúng tôi tìm về vùng sâu Phá Đáy (xã Châu Bính) - nơi từng nổi tiếng bởi cuộc sống gian nan, vất vả bởi giao thông bị chia cắt, nằm tách biệt với các vùng xung quanh. Con đường nối Quốc lộ 48 với các xã Châu Bính và Châu Thuận nhộn nhịp những chuyến xe chở hàng về bản và chở nông sản về vùng trung tâm.
Phía trước trập trùng những dãy núi đá, con đường luồn lách qua từng kẽ núi rồi dẫn vào một thung lũng mênh mông. Phá Đáy hiện ra với những nương mía xanh tốt trải dài tới chân núi.
Bà Vi Thị Duyết – Trưởng bản cho hay, “Phá Đáy” tiếng Thái nghĩa là “bậc thang leo lên núi đá”, vì ở đây núi non điệp trùng bao bọc tạo nên một thung lũng tách biệt với xung quanh. Trước kia, muốn vào đến nơi đây, người ta phải làm những bậc thang bằng gỗ, nối thành từng đoạn để leo lên nên chỉ có khoảng 10 hộ có người mắc bệnh phong vào sinh sống. Rồi con đường vào được mở, eo núi bị phá, mở toang cửa ngõ vào ra đối với Phá Đáy. Từ đó, cuộc sống ở đây bắt đầu đổi thay, khởi sắc, nhiều người tìm đến đây sinh sống và lập nghiệp, nay bản đã có hơn 40 hộ. Giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, hiện mía nguyên liệu đang là cây chủ lực của Phá Đáy với khoảng 27ha; con trẻ được đến trường học cái chữ. Với bà con Phá Đáy, con đường nhựa về bản đã trở thành con đường huyền thoại...
Từ Châu Bính, chúng tôi đến với các xã Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu, tiếp giáp với địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương và Quế Phong. Cách đây chưa lâu, người dân ở đây tự ví là “vùng trũng” và “vùng tối”, bởi đường sá đi lại khó khăn và trắc trở, không có điện lưới quốc gia. Bà Vi Thị Lan ở bản Piêng Cắm (xã Châu Phong) nhắc lại chuyện đi đường trước đây: Mỗi khi có việc ra trung tâm huyện phải cuốc bộ hơn 30 km, đi mất cả ngày đường, trúng ngày mưa gió đêm phải nghỉ lại dọc đường, chờ sáng mai đi tiếp. Còn các thầy, cô giáo cũng chưa quên những ngày tháng đi trên những con đường đèo dốc cheo leo, lầy lội và trơn trượt, xe máy phải quấn xích vào lốp để tăng độ ma sát, hạn chế sự trượt ngã. Vậy mà, những ngày mưa, vào đến trường áo quần lấm lem, sách vở đều thấm nước, mong ước lớn nhất là có con đường nhựa để việc đi lại đỡ phần vất vả, gian nan.
Và, con đường mơ ước ấy cũng trở thành hiện thực. Từ năm 2007 tuyến đường nối Quốc lộ 48 thuộc vùng trung tâm huyện Quỳ Châu đi các xã Châu Phong - Châu Hoàn – Diên Lãm được thi công. Tuyến đường được hoàn thành vào năm 2009, mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng, rút ngắn khoảng cách giữa “vùng trũng” và vùng trung tâm. Sau khoảng 10 năm nâng cấp tuyến đường, bộ mặt các xã Phong - Hoàn - Lãm đã đổi thay đáng kể, bởi hàng hóa được thông thương, các mặt hàng nông - lâm sản có cơ hội được tiêu thụ, thúc đẩy quá trình giao lưu mọi mặt...
Chúng tôi tiếp tục qua vùng Châu Hội và Châu Nga, những nơi trước đây được biết đến bởi sự nghèo khó và cách trở. Nay diện mạo các xã này cũng đã đổi thay, nguyên do bắt đầu từ con đường nhựa được Nhà nước đầu tư xây dựng, tạo động lực cho quá trình phát triển nông thôn vùng cao. Có đường, việc đi lại trở nên dễ dàng, thuận lợi; những khu rừng trồng gỗ nguyên liệu có người tìm đến mua, bà con có cơ hội thu hồi vốn để tái sản xuất và xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi. Việc làm ăn, sản xuất phát triển, tạo phấn khởi và tin tưởng cho các tầng lớp nhân dân.
Cầu treo Kẻ Nính, xã Châu Hạnh (Qùy Châu). Ảnh: Công Kiên
Chúng tôi qua vùng tả ngạn sông Hiếu thuộc xã Châu Hạnh, chiếc cầu treo mới được hoàn thành nối vùng Kẻ Nính với trung tâm xã và huyện, xóa tan sự biệt lập như một “ốc đảo” trước đây. Bà con người Thái nói rằng nó không chỉ là chiếc cầu đi lại và nối đôi bờ, mà còn là nơi bắc nhịp để đưa bản làng thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, đến với cuộc sống văn minh. Bởi trước đây, vùng Kẻ Nính biệt lập, con đò ngang là phương tiện duy nhất để qua sông nên đời sống người dân khó khăn, đói nghèo, dân trí lạc hậu... Bây giờ, qua bên kia sông Hiếu, các trục đường liên thôn vừa được rải nhựa phẳng lỳ. Chiếc cầu treo, con đường nhựa là niềm mơ ước từ bao đời nay hiện hữu ngay giữa bản làng nên không chỉ người già mà trẻ nhỏ rộn trong niềm vui khởi sắc. Những tuyến đường nhánh cũng đang được bê tông hóa, những ngôi nhà mới khang trang bắt đầu mọc lên, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến sự đổi thay của bộ mặt bản làng.
Trao đổi về kết quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đồng chí Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, trong những năm qua, Quỳ Châu đã hoàn thành đưa vào sử dụng hàng trăm công trình giao thông, đến nay 100% tuyến đường đến trung tâm các xã đã được đầu tư xây rải nhựa, 70% đường thôn, bản đã được bê tông hóa, hệ thống cầu vượt qua sông suối và cống thoát nước trên các tuyến với tổng chiều dài 357m. Tính riêng giai đoạn từ năm 2011 - 2015, huyện đã đầu tư xây dựng 117 công trình với tổng chiều dài 113,83 km đường giao thông các loại, bao gồm: 57,25 km đường láng nhựa và 56,58 km đường bê tông với tổng vốn đầu tư lên tới 393,3 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến các dự án trọng điểm như: Đường giao thông Châu Hội - Châu Thuận; cầu treo Kẻ Nính xã Châu Hạnh; đường từ Quốc lộ 48 đi bản Kẻ Nính xã Châu Hạnh, đến xã Châu Hội; cầu Sông Hiếu và Hoa Hải...
Về kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Ngô Đức Thuận khẳng định: “Huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các công trình trọng điểm, các công trình phúc lợi công cộng, huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và huyện để đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Trong đó, phấn đấu 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm, 77,1% đường giao thông được cứng hóa”.