Tăng cường kiểm soát hiện trạng mặt bằng Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh)

Thứ ba, 08/08/2017 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo kế hoạch, Quý IV/2017 Quảng Ninh sẽ khởi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đây là dự án cao tốc dài nhất hiện nay tại Quảng Ninh (chiều dài toàn tuyến là 80,23km), góp phần hoàn thiện đồng bộ tuyến cao tốc nối TP Hải Phòng đến TP Móng Cái. Để chuẩn bị mặt bằng sạch phục vụ thi công Dự án, song song với việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, công tác kiểm soát hiện trạng mặt bằng đang được các địa phương tăng cường.

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đấu nối vào điểm cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn. Đường cao tốc được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h đi qua 5 địa phương khu vực miền Đông của tỉnh là Vân Đồn - Tiên Yên - Đầm Hà - Hải Hà và kết thúc đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Đây là công trình hạ tầng giao thông có vốn đầu tư kỷ lục đến thời điểm này của Quảng Ninh (hơn 16.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách sẽ dành hơn 2.500 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường GPMB và tái định cư cho nhân dân; còn lại vốn của các nhà đầu tư để xây dựng, hoàn thành công trình.

Hiện công tác chuẩn bị đầu tư đã được các đơn vị liên quan triển khai tích cực. Sở GTVT đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thành công tác phê duyệt tuyến chính và chuẩn bị tổ chức đấu thầu rộng rãi. UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp cho các địa phương nơi Dự án đi qua làm chủ đầu tư thực hiện GPMB, tập huấn công tác GPMB đến tận cơ sở của địa phương liên quan... Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 6/2017, tại một số địa bàn đã xảy ra hiện tượng người dân có ý đồ trục lợi thông qua việc cải tạo công trình, trồng cây trên diện tích đất quy hoạch tuyến cao tốc.
 

Hộ ông Đào Văn Vượng (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) chủ động san lấp hố chứa nước
và phá bỏ cột bê tông trồng cây thanh long trên diện tích dự án


Dọc tuyến Tiên Yên - Đầm Hà - Hải Hà - Móng Cái, cơ quan chức năng đã phát hiện 46 trường hợp các hộ dân vi phạm thay đổi hiện trạng trên đất, như lợp thêm mái tôn, ốp lát đá xẻ, đào hồ chứa nước, trồng chuối, dứa... trên diện tích mặt bằng quy hoạch triển khai Dự án. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND (ngày 28/6/2017), chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hiện trạng mặt bằng tuyến đường cao tốc; xử lý dứt điểm các vi phạm; đẩy mạnh vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước...

Theo tinh thần này, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết: Huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch. Trên cơ sở tim mốc được bàn giao, đã tổ chức ghi hình nguyên trạng mặt bằng, phân công cán bộ xã, thôn nắm bắt tình hình, thông báo rộng rãi đến người dân. Cùng với đó, tăng cường vận động, tuyên truyền để nhân dân nắm bắt chủ trương, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về tổ chức thu hồi đất. Hiện các bước để GPMB phục vụ thi công dự án đang được huyện triển khai tích cực, sẽ hoàn thành GPMB Dự án đúng theo kế hoạch vào tháng 9/2017.

Cũng theo ông Thái, thời gian qua trên địa bàn huyện có một số hộ dân vi phạm thay đổi hiện trạng trên đất. Nguyên nhân do công tác quản lý của một số xã còn yếu kém; người dân hạn chế hiểu biết về quy định pháp luật, một số hộ dân bị kẻ xấu lợi dụng đầu cơ nhằm trục lợi. Ngay sau khi phát hiện ra các vi phạm, huyện đã cơ bản xử lý dứt điểm các vi phạm, vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ các công trình cải tạo, nhổ cây trồng mới trên mặt bằng quy hoạch. Đến nay, huyện chỉ còn một trường hợp: Hộ ông Tằng A Nhì (bản Sán Cái Coọc, xã Quảng Sơn) tự ý đào ao trên diện tích đất trồng lúa. Huyện đang tiếp tục vận động gia đình này san lấp, trả lại hiện trạng.

Theo ghi nhận, tại các địa phương khác nơi có tuyến cao tốc đi qua, công tác kiểm soát hiện trạng mặt bằng đang được tăng cường. Các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện GPMB phục vụ thi công tuyến cao tốc; yêu cầu các xã thành lập tổ giám sát nhằm phát hiện các hộ dân xây thêm công trình, kiến trúc trên đất và xử lý kịp thời; đẩy mạnh vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước... Đặc biệt, đã triển khai thông báo rộng rãi chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ không sử dụng ngân sách chi trả đền bù cho các hộ dân có ý đồ trục lợi.

Bên cạnh những giải pháp chung, để tăng cường quản lý hiện trạng mặt bằng, mỗi địa phương có những giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp. Tại TP Móng Cái, bên cạnh tổ chức cho người dân liên quan ký cam kết không vi phạm hiện trạng, thành phố còn thực hiện chụp ảnh để lưu giữ và in kèm hình ảnh hiện trạng, bản đồ giới tuyến chuyển đến các hộ dân. Tại huyện Đầm Hà, đã thực hiện phân công, gắn trách nhiệm từng thành viên ban chỉ đạo; thực hiện giám sát và báo cáo hiện trạng mặt bằng vào cuối giờ chiều mỗi ngày; thuê đơn vị tư vấn khẩn trương tổ chức kiểm đếm, lập phương án đền bù...

Có thể thấy rằng, hiện công tác quản lý hiện trạng mặt bằng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được các địa phương kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các hành vi trục lợi. Tuy nhiên, công tác GPMB thường phát sinh những khó khăn; tuyến cao tốc dài, qua nhiều vị trí địa hình khó khăn, xa trung tâm... Vì thế, từ nay đến khi bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án, các địa phương không thể chủ quan, cần thường xuyên giám sát chặt chẽ. Để công tác GPMB được thuận lợi, trình tự, thủ tục phải được công khai, minh bạch, áp dụng đúng, đủ các chế độ bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Cùng với đó là lựa chọn cán bộ làm công tác GPMB có năng lực, trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức, am hiểu các chế độ, chính sách của Nhà nước để giải đáp ý kiến thắc mắc của người dân, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc... Trong quá trình triển khai, luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị thực hiện, công tác vận động, tuyên truyền được đẩy mạnh để thuyết phục nhân dân đồng thuận, không để các đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, kích động người dân làm sai quy định của pháp luật.

bichtt

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)