Đắk Lắk: Nhiều phương tiện thủy nội địa trốn đăng kiểm

Thứ năm, 10/08/2017 08:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm gần đây, hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi, tuy nhiên nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình “trốn” đăng ký, đăng kiểm, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Thực trạng đáng lo ngại

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 130 phương tiện đường thủy (chủ yếu là các tàu hút, chở cát và đò ngang chở khách, nông sản qua sông) đang hoạt động trên các tuyến sông chính là Krông Ana, Krông Nô và Sêrêpốk (tổng chiều dài trên 500 km). Tuy nhiên, mới chỉ có 45 phương tiện được đăng kiểm chính thức từ năm 2008, và từ đó đến nay chưa có phương tiện nào đăng kiểm lại và cũng không có phát sinh mới. Điều này đang gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý phương tiện sai phạm.

Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh cho biết, hầu hết các phương tiện giao thông đường thủy nội địa trong tỉnh đều tự phát, người dân đóng theo nhu cầu, mục đích sử dụng của họ mà chưa được cơ quan chức năng nào thẩm định. Ví dụ như các tàu chở cát thì khoét rộng khoang chứa; thuyền chở nông sản lại được khoét khoang chứa sâu hơn để chở được nhiều… không theo một quy chuẩn thống nhất nào, và không đủ điều kiện an toàn. Vì vậy, các chủ phương tiện đều “trốn” đăng ký, đăng kiểm, hoặc sử dụng giấy đăng kiểm hết hạn. Trong khi đó hiện nay Đắk Lắk vẫn chưa tổ chức được hệ thống giao thông đường thủy nội địa với đầy đủ các biển báo, đèn tín hiệu, phao cảnh báo hoặc bến tàu… theo tiêu chuẩn. Chính vì vậy, việc xử lý các sai phạm đối với phương tiện giao thông đường thủy nội địa gặp rất nhiều khó khăn, không đủ căn cứ pháp lý để xác định lỗi, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Hầu hết các tàu chở, hút cát trên sông tại huyện Krông Bông đều “trốn” đăng kiểm

Trong năm 2016, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra, xử lý 240 trường hợp phương tiện giao thông sai phạm trên tuyến đường thủy nội địa, phạt hành chính 115,7 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị cũng xử lý 78 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 56,65 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có bằng thuyền trưởng hạng 3 theo quy định; không có chứng chỉ chuyên môn lái tàu; không có giấy chứng nhận đăng ký và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không trang bị đủ dụng cụ an toàn; phương tiện không bảo đảm an toàn…

Đâu là giải pháp?

Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Vận tải (Sở Giao thông vận tải) cho hay, hằng năm, Sở luôn phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các chủ phương tiện giao thông đường thủy thông qua nhiều hình thức như, phát tờ rơi, treo khẩu hiệu, phát thanh trên loa của xã… để họ chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản…, song hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân là do ý thức của người dân chưa cao; các đơn vị chức năng, địa phương còn thiếu chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm nên chưa đủ sức răn đe; hầu hết các phương tiện giao thông đường thủy của người dân đều tự phát, thiếu các điều kiện bảo đảm tiêu chuẩn nên khó đăng kiểm...

Gia đình bà Trần Thị L. ở thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) có 1 tàu chở cát với trọng tải 15 tấn, sử dụng từ năm 2010 đến nay nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ. Bà L. bộc bạch: “Hầu hết các tàu chở cát đang hoạt động trên địa bàn đều được đặt mua của một số xưởng cơ khí trong huyện hàn theo nhu cầu của người sử dụng, có cơi nới khoang chứa và độ chế thêm máy móc để hút cát và chạy chân vịt. Vì vậy, sẽ không đủ điều kiện an toàn để được đăng kiểm nên đành hoạt động “chui”. Mỗi khi lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý thì chấp nhận đóng tiền phạt”.

Theo Đại úy Lưu Thanh Tùng, để hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm về giao thông đường thủy, người dân cần chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy, các cơ quan chức năng tỉnh và chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Cùng với đó, cần thiết phải sớm thiết lập hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông đường thủy theo tiêu chuẩn; cho phép xây dựng âu tàu nội địa để tạm giữ, bảo quản các phương tiện vi phạm chờ xử lý…

kimcuc

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)