Ninh Bình: Quan tâm triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Thứ tư, 30/08/2017 13:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm gần đây, nhu cầu đi lại, vận chuyển bằng đường sắt kết nối các khu kinh tế, khu dân cư ngày một tăng, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội phát triển.

Song bên cạnh đó, công tác quản lý, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) của các ngành chức năng cũng như ý thức chấp hành các quy định về ATGT đường sắt của người tham gia giao thông và người dân sinh sống 2 bên đường sắt còn nhiều hạn chế dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Các lực lượng chức năng kiểm tra ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh

Đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một vụ tai nạn đường sắt khiến một thai phụ đang hái rau bên đường ray tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt khu vực xã Ninh An (Hoa Lư) đã bị tàu hỏa cuốn, gây tử vong. Vụ tai nạn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đường sắt có thể xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài gần 22 km, chạy từ thành phố Ninh Bình đến thành phố Tam Điệp, nhưng có tới 44 đường ngang và lối đi dân sinh ngang qua đường sắt. Trong đó chỉ có 21 đường ngang hợp pháp, có rào chắn, người gác hoặc đèn cảnh báo tự động, còn lại 23 đường lối đi dân sinh, đoạn vượt qua đường sắt không thuận lợi, tầm nhìn quan sát không đảm bảo, nên nguy cơ xảy ra TNGT ở những lối đi dân sinh này là rất cao. Không chỉ vậy, ngay cả các lối đường ngang hợp pháp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho người tham gia giao thông...

Ông Hoàng Đình Quyền - người gác cảnh giới tàu thuộc đường ngang xã Ninh An (Hoa Lư) cho biết, ông đã làm nhiệm vụ gác cảnh giới tàu được 2 năm, nhưng đến nay ông cũng như những người gác cảnh giới tàu tại xã Ninh An đều chưa được tập huấn, đào tạo về công tác cảnh giới, các dụng cụ trang bị cũng không được đầy đủ.

Điểm đáng nói là, thời gian canh gác của người làm nhiệm vụ cảnh giới tàu chỉ thực hiện theo hợp đồng với chính quyền xã từ 6h đến 22h30 hàng ngày; thời gian còn lại, các chốt đường ngang đều bị bỏ trống, không có người canh gác, tuy nhiên tại các chốt này vẫn dựng barie chắn, gây tâm lý chủ quan cho người dân là có tàu thì barie sẽ đóng, còn không có thì vẫn “vô tư” đi. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại đối với người tham gia giao thông khi lưu thông trên các tuyến đường ngang này.

Được biết thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh và các địa phương triển khai nhiều biện pháp khắc phục hạn chế, nhằm đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Cụ thể, đã chủ động tổ chức cử người cảnh giới tại 8 điểm giao cắt, trong đó có 1 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 5 đường ngang phòng vệ bằng biển báo và 2 lối đi tự mở qua đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; tổ chức rào kín, xóa bỏ hoàn toàn đối với 3 lối đi tự mở qua đường sắt, chôn tà vẹt để thu hẹp đối với 20 lối đi tự mở qua đường sắt để hạn chế phương tiện, đồng thời gắn 40 biển chú ý tàu hỏa tại 20 vị trí trên để cảnh báo người tham gia giao thông khi qua các lối đi tự mở.

Bên cạnh đó tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát các điểm, đoạn đường có nguy cơ gây tai nạn giao thông đường sắt cao để tiến hành cải tạo như bổ sung biển báo hiệu, đèn tín hiệu, sơn vạch kẻ đường, tôn hộ lan, gờ giảm tốc nhằm bảo đảm trật tự ATGT; tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện công tác giải tỏa tầm nhìn để đảm bảo tầm nhìn tại 2 đầu các đường ngang và tránh cây cối đổ lên đường sắt trong mùa mưa bão. Ngoài ra, tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tránh đường sắt, góp phần đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn.

Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra trên đường sắt thì vấn đề đảm bảo ATGT đường sắt vẫn cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Để góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhiệm vụ cần thiết trước mắt phải thực hiện đó là các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần sớm tổ chức giải tỏa hành lang ATGT đường sắt để người tham gia giao thông không bị che khuất tầm nhìn, có thể quan sát được tàu từ xa; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác canh gác cảnh giới tàu; tháo dỡ các barie tại các đường ngang có người cảnh giới không khép kín về thời gian; tiếp tục bổ sung hệ thống biển báo đường bộ và đường sắt tại các đường ngang và các lối đi dân sinh.

Về lâu dài, cần nâng cấp đường ngang có biển báo hiện nay thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và lắp đặt cần chắn tự động. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh tác phong làm việc của người phụ trách cung đường, tuần đường sắt.

Để khắc phục nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường sắt, bên cạnh việc duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp trong việc đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt, người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt, tránh để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, gây hậu quả đáng tiếc.

kimcuc

Nguồn: Báo Ninh Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)