Nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu từ nay đến cuối năm cần tập trung hạn chế, tiến tới xóa bỏ "điểm đen" giao thông; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc"...
Các sở, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm.
Xe buýt nhanh BRT được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016
Đã giảm 6/41 "điểm đen" ùn tắc giao thông
Từ đầu năm 2017 đến nay, TP Hà Nội đã quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm từng bước kéo giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, một số công trình quan trọng được đưa vào khai thác như tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, cầu vượt Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, cầu vượt Cổ Linh... Ngoài ra, thành phố tổ chức thí điểm trông giữ xe theo ngày chẵn, lẻ trên các tuyến phố Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm) và Hàn Thuyên, Thi Sách (quận Hai Bà Trưng); thí điểm ứng dụng công nghệ tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe tự động (iParking) trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố - Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp nói trên nên trong năm nay, đã có 6/41 "điểm đen" ùn tắc giao thông được xử lý, gồm: Nút giao thông Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu; Trung Văn - Tố Hữu; Bắc cầu Chương Dương; Trâu Quỳ - Quốc lộ 5; điểm Nhà máy sữa Vinamilk - Quốc lộ 5 và điểm Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc. Tai nạn giao thông cũng đã giảm trên cả 3 tiêu chí, song vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục cải thiện thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, như người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là học sinh, sinh viên; điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia; xe chạy quá tốc độ quy định... Bên cạnh đó, vào những ngày đầu và cuối của các dịp nghỉ lễ, trên các tuyến đường cửa ngõ của thành phố, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1B, Quốc lộ 5, đường Vành đai 3 trên cao do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao đột biến khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn...
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã và đang thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh các công trình trọng điểm, cấp bách như: Dự án đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, khởi công cầu vượt nút giao An Dương; nhân rộng việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành đỗ xe công cộng, thu giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo mô hình iParking trên địa bàn 4 quận trung tâm; tổ chức giao thông phục vụ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; phối hợp với ngành Đường sắt triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại 92 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt...
Khẳng định quyết tâm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu trong các tháng còn lại của năm 2017, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn khẩn trương tập trung hạn chế, tiến tới xóa bỏ "điểm đen", ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, khai thác điều hành giao thông vận tải... Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố; các sở, ban, ngành liên quan; các địa phương phối hợp thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để đánh giá nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; kiểm soát, siết chặt công tác quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra, vào các bến xe hợp lý, khoa học. Đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc", chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, dừng, đỗ sai quy định, xử lý phương tiện quá khổ, quá trọng tải quy định... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như bảo đảm độ bền của công trình giao thông.
Tất cả các nhiệm vụ trên nhằm mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.