Những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông văn minh, hiện đại, đồng bộ với các tỉnh, thành trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn giao thông.
Theo số liệu của UBND tỉnh, đối với hệ thống giao thông đối ngoại, đã đầu tư đồng bộ với quy mô từ 4 đến 8 làn xe (QL13, ĐT741, ĐT743...), tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối thông suốt giữa các khu, cụm công nghiệp (CCN), trung tâm kinh tế của tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực và các cảng hàng hóa, sân bay quốc tế.
Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến áp lực về an sinh xã hội,
giáo dục, y tế, nhất là vấn đề an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
Hệ thống giao thông đối nội cũng được đầu tư đồng bộ với quy mô từ 2 đến 6 làn xe (ĐT744, ĐT746, ĐT747...), tạo điều kiện thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hóa giữa các vùng trong tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đô thị đã được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng, quy mô từ 2 đến 8 làn xe (đường Phạm Ngọc Thạch - TP.Thủ Dầu Một; đường 7A - TX.Bến Cát...), tạo tiền đề để Bình Dương trở thành đô thị loại I.
Giao thông nông thôn bảo đảm kết nối thông suốt từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đến các thôn, xóm và đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa 100%. Riêng hệ thống đường chuyên dùng đã được các nhà đầu tư trong các khu, CCN đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối thông suốt với hệ thống đường đối nội, đối ngoại của tỉnh, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các cảng ra, vào các khu, CCN trên địa bàn tỉnh...
Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giao thông vận tải phát triển bền vững, an toàn, thời gian qua, UBND tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp quan trọng như: Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng; giải pháp phát triển vận tải; giải pháp quản lý, xây dựng hệ thống giao thông thông minh; giải pháp tuyên truyền; giải pháp về kiểm tra xử lý.
Trong đó, đối với giải pháp quản lý, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc quản lý giao thông vận tải như: Triển khai đầu tư các thiết bị theo dõi tình hình giao thông tại các giao lộ có phương tiện lớn trên địa bàn tỉnh; thành lập trung tâm quản lý, điều tiết giao thông đô thị; triển khai đề án giao thông thông minh đến các trung tâm đô thị nhằm tăng cường quản lý giao thông, ùn tắc giao thông qua trung tâm điều khiển giao thông thông minh.
Đối với giải pháp tuyên truyền, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua báo, đài phát thanh và truyền hình, internet, băng rôn, pa nô... Đặc biệt là quan tâm tuyên truyền đến công nhân, người lao động tại các khu, CCN trên địa bàn tỉnh về Luật Giao thông đường bộ.
Về kiểm tra, xử lý, các lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm các trường hợp quá tải trọng cho phép và các trường hợp phương tiện không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, như đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ...