Để hạn chế, ngăn chặn TNGT đường sắt, từ nhiều năm nay, các cấp, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh có đường sắt đi qua đã nỗ lực thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp tích cực. Tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc rà soát, thống kê và phân tích cụ thể những bất cập dẫn đến tình trạng mất ATGT đường sắt trở thành vấn nạn nhức nhối.
Bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông kém, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng liên tiếp xảy ra TNGT đường sắt là do sự bất cập của hạ tầng giao thông. Trong đó, hầu hết tuyến đường sắt chạy song song với Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 qua nhiều khu dân cư, lượng người và phương tiện lưu thông lớn, cộng với sự chênh lệch độ cao giữa đường bộ với đường sắt khá lớn, khiến người tham gia giao thông đường bộ bị hạn chế tầm nhìn mỗi khi phải đi qua đường ngang. Nghiêm trọng hơn, trên toàn tuyến còn có sự tồn tại của hơn 250 đường ngang dân sinh, lối đi mở trái phép qua đường sắt chưa có người cảnh giới, cần chắn tự động.
Ngành đường sắt đầu tư vuốt, nâng cao cao độ mặt đường bộ
tương ứng với mặt đường sắt tại địa phận xã Liên Bảo (Vụ Bản)
Ngày 17/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND phân định trách nhiệm, xây dựng lộ trình thời gian cụ thể để đóng các đường dân sinh, lối đi trái phép nhằm hạn chế, ngăn chặn tối đa TNGT đường sắt. Ngay sau thời điểm Kế hoạch 70 được ban hành, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sống ven đường sắt hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó nghiêm túc thực hiện các quy định trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; đã vận động, nhận được sự đồng tình của địa phương và người dân ký cam kết thống nhất phương án xóa bỏ 153/258 lối đi dân sinh trái phép. Chính quyền và đại đa số người dân các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đều sẵn sàng với chủ trương trả lại hành lang ATGT để có quỹ đất làm đường gom, xóa bỏ đường dân sinh hoặc chuyển sang lối đi mới khi cơ quan quản lý đường sắt đóng các lối đi trái phép. Cty CP Đường sắt Hà Ninh đã xây dựng phương án, lập dự toán chi tiết thực hiện việc thu hẹp, đóng các đường dân sinh trái phép, cắm biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”... Tuy nhiên do ngành đường sắt chưa bố trí được kinh phí để triển khai nên quyết tâm đóng các đường dân sinh, lối đi trái phép đã không được thực hiện đúng lộ trình Kế hoạch 70. Do vậy, vấn đề bảo đảm ATGT đường sắt ngày càng phức tạp.
Chưa có năm nào, TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh lại xảy ra liên tiếp và diễn biến phức tạp như năm nay. Từ tháng 1 đến hết tháng 11/2017, trên toàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ TNGT đường sắt, tăng 45% số vụ so với cùng kỳ năm 2016, làm 16 người chết, 7 người bị thương. Trong đó, xảy ra 1 vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu khách chạy hướng Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội và xe mô tô làm 3 người đi xe mô tô tử vong vào ngày 11/11/2017 tại Km 98+300 địa phận xã Liên Minh (Vụ Bản)…
Để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, tỉnh xác định ưu tiên các biện pháp tình thế trước mắt để khắc phục, giảm bớt nguy cơ gây TNGT của hệ thống đường ngang dân sinh khi chưa thể tiến hành xóa bỏ. Được sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT đã sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để tiến hành sửa chữa đột xuất, bổ sung các công trình ATGT trên Quốc lộ 21 tại 3 khu vực đường bộ giao cắt đường sắt gồm cầu Mái, xã Yên Ninh (Ý Yên), KCN Bảo Minh (Vụ Bản) theo hướng vuốt dốc, nâng cao mặt đường bộ tương ứng với mặt đường sắt. Trong đó, nút giao phức tạp liên quan đến đường sắt tại Km119+00 trên Quốc lộ 10 với đường nhánh KCN Bảo Minh đang trong giai đoạn hoàn tất việc xử lý khắc phục theo hướng mở rộng, nâng cao mặt đường bộ tương ứng cao độ đường sắt; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông 2 pha chạy ở chế độ khi có tàu và khi không có tàu (sẽ kết nối đồng bộ với tín hiệu đường sắt khi ngành đường sắt kết nối). Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở GTVT cũng vừa hoàn tất dự án đầu tư lắp đặt gồ giảm tốc bằng cao su và lắp đặt hệ thống biển báo hiệu đường bộ tại tất cả đường ngang dân sinh qua đường sắt có chiều rộng từ 3m trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã yêu cầu Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn. Các huyện, thành phố: Nam Định, Mỹ Lộc,Vụ Bản, Ý Yên đều quyết liệt chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có đường sắt đi qua phối hợp với Công ty CP Đường sắt Hà Ninh xử lý dứt điểm các vi phạm về hành lang ATGT đường sắt như đặt biển quảng cáo, tập kết vật liệu, cây cối che khuất tầm nhìn... và tuyệt đối không để phát sinh thêm các lối mở tự phát qua đường sắt. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người được địa phương cử chốt gác tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tuyệt đối tuân thủ các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đã được ngành đường sắt tập huấn.
Tại huyện Mỹ Lộc đã tăng cường kiểm tra và xác định điểm gác đường ngang dân sinh không hợp pháp tại xã Mỹ Hưng chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự ATGT. Huyện đang chỉ đạo lãnh đạo xã Mỹ Hưng phải nâng cao trách nhiệm, khẩn trương xử lý nghiêm túc, dứt điểm tình trạng người gác ghi chưa trực gác theo quy định. Tại xã Yên Tiến (Ý Yên), xác định nguyên nhân xảy ra nhiều vụ TNGT do có nhiều điểm đường ngang của các hộ dân làng nghề kinh doanh, buôn bán mở trực tiếp qua đường sắt, vì vậy xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn chấp hành quy định pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, cảnh báo nguy cơ mất an toàn, xảy ra tai nạn khi đi lại qua các lối đi bất hợp pháp này.
Trong chiến dịch ra quân giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt vừa qua của huyện, các hộ buôn bán, kinh doanh có vi phạm lấn chiếm đã tự giác chấp hành thu dọn, tháo dỡ công trình, vật tư lấn chiếm hành lang, gây mất trật tự ATGT đường sắt. Xã đã chủ động kiến nghị, đề xuất và được hỗ trợ đầu tư lắp đặt chốt gác bảo đảm ATGT đường sắt. Xã còn vận động các hộ dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, không yêu cầu đền bù, hỗ trợ, tạo quỹ đất hành lang để ngành đường sắt và UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng đường gom rộng 5m đáp ứng yêu cầu lưu thông, để sớm đóng các điểm đường ngang qua đường sắt bất hợp pháp tại địa phận ngã ba Cát Đằng. Cty CP Quản lý đường sắt Hà Ninh đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa hành lang ATGT đường sắt; nâng cấp cải tạo, sửa chữa 4 đường ngang gồm: đường ngang cảnh báo tự động Km72+279, Km96+912, đường ngang có người gác Km83+500, đường ngang biển báo Km95+075); lắp đặt 68 biển chú ý tàu hỏa tại 34 vị trí; thu hẹp 45 đường, cắm thêm biển chú ý tàu hỏa tại 29 đường ngang, xóa bỏ được 18 đường ngang dân sinh. Hiện Cty đang đầu tư vuốt dốc, nâng cao mặt đường bộ tương ứng với mặt đường sắt tại điểm giao cắt địa phận xã Liên Bảo (Vụ Bản).
UBND tỉnh đang tiếp tục đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; xem xét, báo cáo Bộ GTVT sớm có giải pháp khắc phục các điểm bất hợp lý trong xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt; bố trí kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom; trước mắt cấp bách xây dựng đường gom, hàng rào cách ly tại những đoạn đường sắt có nguy cơ gây TNGT, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đường sắt và địa phương thực hiện Kế hoạch 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh theo lộ trình./.