Thực hiện Chỉ thị số 32/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình và UBND các huyện, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kiểm soát tải trọng phương tiện, do vậy tình trạng xe quá tải được kiềm chế, từ đó kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra tải trọng xe
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tỉnh Ninh Bình có 7 tuyến quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh cùng nhiều tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng; trên địa bàn tỉnh hiện có 103 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với 2.513 xe. Để thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Riêng trong năm 2016, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát tải trọng, Công an tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của tỉnh duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên các tuyến giao thông trọng điểm, đồng thời tổ chức sử dụng thêm các cân điện tử xách tay tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm ở các mỏ, cảng, điểm bốc xếp hàng hóa trên địa bàn. Các lực lượng liên ngành đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT tăng cường về địa phương để tổ chức ký cam kết không vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có phương tiện, đồng thời kiểm tra, xử lý ngay đối với các phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng xe theo quy định.
Đối với công tác tuyên truyền thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 12 pa nô, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, căng treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về tải trọng xe trên các tuyến đường; tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô gắn loa. Sở GTVT tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các doanh nghiệp, cảng, bến, mỏ, nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe trong thực hiện việc xếp hàng, chở hàng không vượt quá tải trọng. Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền các địa phương đăng, phát tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá tải trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyên truyền trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, cơ sở xếp dỡ hàng hóa và đội ngũ lái xe để họ hiểu rõ tác hại của việc chở hàng quá tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tự giác tháo dỡ, cắt bỏ phần cơi nới, cải tạo trái quy định.
Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng 12 phóng sự, viết 56 tin, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng 85 tin, phóng sự, 15 chuyên mục; Báo Ninh Bình xây dựng và đăng 60 tin, bài tuyên truyền về ATGT trên các số báo ra định kỳ về thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg và các hoạt động có liên quan đến kiểm soát tải trọng phương tiện. Các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố đã phối hợp với Sở GTVT và Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về tải trọng xe tại các địa phương, cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phù hợp, đạt hiệu quả.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng xe. Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động của phương tiện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cơi nới thành, thùng xe trái phép, chở hàng quá khổ, quá tải trên địa bàn; tập trung kiểm tra, xử lý tại nơi xuất phát hoặc gần các khu vực nhà máy, bến cảng, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi sản xuất, tập kết hàng hóa…để kịp thời ngăn chặn các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường. Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113, Cảnh sát trật tự, Công an các huyện, thành phố, Công an xã thực hiện kiểm soát tải trọng xe. Lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng Trạm cân thường xuyên phối hợp duy trì hoạt động Trạm cân trên các tuyến đường trọng điểm có nhiều xe quá tải; đồng thời sử dụng cân điện tử xách tay tập trung kiểm tra, xử lý tại nơi xuất phát hoặc gần các khu vực nhà máy, cảng, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi sản xuất, tập kết hàng hóa… Kết quả đã kiểm tra 995 trường hợp; lập biên bản và xử lý 743 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, phạt tiền gần 2,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn 139 trường hợp.
Công an tỉnh đã chỉ đạo tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cân tải trọng để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời chỉ đạo Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, camera, công cụ hỗ trợ tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý xe ô tô chở hàng quá tải trên tất cả các tuyến giao thông, phát hiện xe quá tải thông qua đối chiếu, chứng từ vận chuyển hàng hoá; sử dụng biện pháp đo, đếm, cân trọng tải đã được trang bị; phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý. Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết cho 100% chủ bến bãi vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh chế biến, cung ứng vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe trên địa bàn thực hiện việc xuất hàng, chở hàng đúng trọng tải cho phép; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có phương tiện vi phạm kích thước thành, thùng tự giác cắt bỏ phần vi phạm; tiến hành kiểm tra tại các mỏ, cảng, nhà máy sản xuất vật liệu, bãi khai thác vật liệu xây dựng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp bốc xếp hàng hoá quá tải trọng, đặc biệt là các trường hợp san tải trước khi vào cảng, dồn tải sau khi ra khỏi cảng. Kết quả đã phát hiện, xử lý 937 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải, phạt tiền gần 11 tỷ đồng; xử lý 188 trường hợp hoán cải, thay đổi kích thước thành, thùng xe, phạt tiền trên 364 triệu đồng.
Một số khó khăn và kiến nghị
Thực tế cho thấy, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông vẫn còn gặp một số khó khăn đó là: Lực lượng thanh tra còn mỏng nên việc dừng phương tiện để ngăn chặn và xử lý trong trường hợp cấp thiết quy định gặp khó khăn. Trên địa bàn vẫn còn phương tiện chở quá tải chạy vào ban đêm hoặc các thời điểm không có lực lượng chức năng kiểm soát. Các quy định hiện hành về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện kiểm soát tải trọng xe chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động được giao.
Việc lựa chọn vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên các tuyến đường tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện mặt đường hẹp, không đủ điều kiện để bố trí thiết bị cân; tại các mỏ vật liệu, chủ yếu là đường tạm, gồ ghề, hẹp, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật để lắp đặt thiết bị cân và bảo đảm an toàn cho các phương tiện bị kiểm tra cũng như các phương tiện lưu thông khác. ý thức chấp hành của một số chủ phương tiện, đội ngũ lái xe chưa cao, một số lái xe còn có phản ứng, chống đối đóng cửa xe bỏ đi hoặc tìm cách trốn gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm, nhất là sau khi Công an không tham gia vào lực lượng liên ngành tại Trạm kiểm tra tải trọng xe. Thiết bị kỹ thuật trạm cân hay bị trục trặc, sự cố, kết quả cân thiếu chính xác, trời mưa không hoạt động được, thời gian sửa chữa lâu ảnh hưởng đến hoạt động của trạm cân. Việc hạ tải đối với các phương tiện khi phát hiện chở quá tải còn gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được liên tục và thường xuyên, tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT cấp bổ sung 1 bộ cân lưu động để thay thế khi bộ cân cũ; cho phép sử dụng bộ cân xách tay thay thế hoặc vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ cắm biển hạn chế tải trọng trực tiếp trên các tuyến đường khai thác kết hợp với việc công bố tải trọng, khổ giới hạn cầu đường bộ trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để lái xe nhận biết và tự giác chấp hành.