TP Hồ Chí Minh đảm bảo lưu thông dịp Tết Mậu Tuất

Thứ năm, 04/01/2018 11:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm phục vụ người dân đi lại và về quê dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngành Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đang tích cực chuẩn bị và triển khai các phương án, đảm bảo việc lưu thông của mọi người được thuận lợi, an toàn.

Bến xe, nhà ga vào guồng

Tại Bến xe miền Tây (BXMT), dự kiến hành khách về thăm quê dịp Tết Mậu Tuất rất đông, tăng 60-70% so với ngày thường. Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc BXMT, những ngày cao điểm (từ 12 đến 17/2/2018, tức ngày 27/12 âm lịch đến hết mùng 2 tết) giá vé sẽ áp dụng tăng 40% so với ngày thường, những tuyến đường có cự ly dài trên 400km, giá vé tăng cao nhất 60%.

Tại Bến xe miền Đông (BXMĐ), ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe cho biết lượng hành khách thông qua BXMĐ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 ước tính tăng khoảng 2% so với Tết Đinh Dậu 2017, tập trung chủ yếu từ ngày 22 tới 28 tháng Chạp, ngày cao nhất vào khoảng 51.000 khách. Phục vụ người dân đi lại, BXMĐ triển khai bán vé Tết từ ngày 20/11 đến 26/12 âm lịch (tức từ ngày 6/1 đến 11/2/2018) tương ứng với các chuyến đi từ ngày 24 đến 28/12 âm lịch. Giá vé sẽ tăng so với ngày thường từ 20-60%. Ngoài hình thức bán vé trực tiếp tại quầy vé, BXMĐ còn tổ chức bán trực tuyến từ 5 giờ tới 19 giờ mỗi ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách mua vé, tránh tình trạng lộn xộn vì người dân tập trung đông tại bến xe mua vé tại quầy.

Ông Lê Quốc Trung, Phó Giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết dịp tết nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến và cũng là thời gian cao điểm phục vụ hành khách của ngành, vì vậy đơn vị luôn chú trọng chất lượng, dịch vụ và đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất để phục vụ hành khách. Hiện nay, ngoài các đôi tàu sẵn có và được huy động phục vụ dịp Tết Mậu Tuất, đơn vị đang đóng mới 30 toa tàu chất lượng cao, mỗi toa trị giá khoảng 1 tỷ đồng để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Trước đó, đơn vị cũng đã đưa vào sử dụng 30 toa tàu chất lượng “5 sao” phục vụ hành khách trên các chặng ngắn giữa Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phú Yên - Quy Nhơn rất hiệu quả và được dư luận đánh giá cao. Đây là kết quả nỗ lực của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn khi hướng đến việc xây dựng, thay đổi hình ảnh, chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của hành khách.

Niềm vui từ những cây cầu

Dịp năm mới là quãng thời gian người dân đi lại nhiều, vì vậy Sở GTVT TPHCM tăng cường phối hợp với Công an TPHCM triển khai và kiểm tra tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm như Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các bến xe liên tỉnh. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng phối hợp với Ga Sài Gòn điều phối cách giãn hợp lý giữa các chuyến tàu, tránh tình trạng tập trung quá tải vào một thời điểm để đảm bảo thuận tiện, an toàn.

Một trong những phương án ngăn ngừa tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP là hồi vào cuối tháng 12/2017, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã khởi công xây dựng cầu vượt bộ hành trên đường Hoàng Minh Giám (khu vực Công viên Gia Định, quận Phú Nhuận), với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng. Cầu dài 37m, rộng 4,4m, làm vòm thép trang trí trên cầu, trồng cây xanh, chiếu sáng.

Dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2018. Trước đó, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã khánh thành cầu đi bộ trên Quốc lộ 1A trước Trường Đại học Kinh tế - Luật (quận Thủ Đức), giúp sinh viên từ trường đến trạm xe buýt được an toàn.

Sở GTVT cũng sẽ khởi công xây cầu Vàm Sát 2 nối huyện Cần Giờ với trung tâm TPHCM vào đầu quý I/2018, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2019. Hiện đơn vị thi công đang rà phá bom mìn khu vực xây dựng cầu; UBND huyện Cần Giờ đang làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo thiết kế, cầu Vàm Sát 2 có tổng chiều dài 1.080m, mặt đường rộng 12-24m. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu 60km/giờ, không hạn chế tải trọng. Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn và điểm cuối là ngã 3 đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp. Dự án với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 342 tỷ đồng. Theo Sở GTVT, mục tiêu xây dựng cầu Vàm Sát 2 là để khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn và kết nối giao thông giữa xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ với trung tâm TP, phục vụ vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực này.

Đáng chú ý nhất là tại bến phà Bình Khánh (điểm giao nhau giữa huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè), cầu Cần Giờ dài 3,4km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m cũng đang được triển khai. Cây cầu này sẽ thay thế phà Bình Khánh, chấm dứt cảnh “đò giang cách trở” trong tương lai gần.

Tổng chi phí ước tính để xây cầu Cần Giờ 5.300 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 3,4km với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m. Cầu vượt sông Soài Rạp, cách phà Bình Khánh hiện tại khoảng 600m rồi chui dưới đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để nối vào đường Rừng Sác.

hoavt

Nguồn: saigondautu.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)