Sau khi Kế hoạch phối hợp liên ngành số 12593 năm 2013 giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an kết thúc, tình trạng xe chở quá tải trọng tại Cà Mau lại diễn biến phức tạp.
Theo ông Bùi Quang Thái, Chánh Thanh tra GTVT, Sở GTVT tỉnh Cà Mau, do đặc thù của địa phương không có mỏ vật liệu, cảng biển, việc tập kết hàng hoá không tập trung tại kho hàng, cảng bến, nên sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp số 12593, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Cục Cảnh sát giao thông lại có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh không cử lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra GTVT tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe. Do đó, đến nay Trạm Kiểm tra tải trọng xe, do Bộ GTVT trang bị trước đây, không hoạt động được, vì lực lượng Thanh tra GTVT không được phép tuỳ tiện dừng phương tiện để kiểm tra.
Ngừng hoạt động hơn năm nay, xe cân tải trọng lưu động không còn phát huy tác dụng
phải nằm chờ tại nhà xe của Sở GTVT tỉnh Cà Mau
Để tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thanh tra Giao thông và Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng đóng trên địa bàn tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe bằng cân xách tay. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 14 cân xách tay: Thanh tra Giao thông vận tải có 5 cân và Công an tỉnh có 9 cân. Tuy nhiên, 2 trong số 9 cân xách tay trên đã hư hỏng, không sử dụng được.
Hiện Phòng Cảnh sát giao thông có 4 cân; công an các huyện: Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân mỗi đơn vị tự trang bị 1 cân. Các đội Thanh tra GTVT đóng trên địa bàn luân chuyển cân khi có nhu cầu sử dụng. Hiện lực lượng cảnh sát giao thông công an các huyện: Thới Bình, Ngọc Hiển, Cái Nước và TP Cà Mau chưa được trang bị cân xách tay; Công an huyện U Minh cân xách tay bị hư hỏng, không còn sử dụng được.
Trạm kiểm tra tải trọng xe dừng hoạt động, cân xách tay thì hư hỏng, vì thế việc kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Bùi Quang Thái khẳng định: “Sẽ có sự lãng phí rất lớn nếu như cứ để trạm kiểm tra tải trọng xe không hoạt động. Ngoài ra, do số lượng cân xách tay hạn chế nên việc bỏ lọt những xe quá tải trọng trên các tuyến đường quốc lộ, Quản lộ Phụng Hiệp, đường hành lang ven biển phía Nam là rất lớn”.
Theo thống kê của Sở GTVT trong năm 2017, các đơn vị có trách nhiệm đã tổ chức kiểm tra 577 lượt phương tiện. Qua đó, phát hiện 223 trường hợp vi phạm, đã tước giấy phép lái xe 106 trường hợp, phạt tiền gần 1 tỷ 336 triệu đồng. Những con số trên phần nào cho thấy, xe chở quá tải là không ít. Thế nhưng, với trang thiết bị, con người hạn chế như hiện nay, tình trạng xe quá khổ, quá tải sẽ còn "hoành hành" và "cày" đường nặng nề hơn.
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ có văn bản quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố được toàn quyền điều động lực lượng công an làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; các đơn vị trực thuộc Bộ Công an hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ để lực lượng công an thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nếu Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục không cho công an các tỉnh, thành phố cử lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra GTVT để kiểm tra tải trọng xe tại trạm kiểm soát tải trọng xe, đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an cho ý kiến xử lý về trạm kiểm tra tải trọng xe đã trang bị cho các địa phương theo kế hoạch phối hợp giữa 2 bộ. Hỗ trợ cân xách tay cho tỉnh để đảm bảo phục vụ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được thường xuyên, liên tục, phòng ngừa các vi phạm xảy ra làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và ngăn ngừa tai nạn giao thông.
Những năm gần đây, các phương tiện vận tải đường bộ, trong đó có ô tô chở hàng phát triển mạnh mẽ về số lượng. Nhiều phương tiện có tải trọng lớn, kích thước thùng hàng không phù hợp với kiểu loại phương tiện. Từ đó, tình trạng các phương tiện chở quá tải diễn ra phổ biến, dẫn đến phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đường bộ.
Vì thế, để xử lý tình trạng trên, ngoài biện pháp tuyên truyền cho chủ xe và các tài xế, vấn đề kiểm tra, xử lý nghiêm, không để lọt phương tiện vi phạm là hết sức quan trọng. Đây là vấn đề rất cần có sự thống nhất nhịp nhàng, đồng bộ từ cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương./.