Những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn Phú Yên không ngừng được đầu tư phát triển. Từ các tuyến quốc lộ đến tỉnh lộ, giao thông nông thôn từng ngày được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Quốc lộ 1 được đầu tư mở rộng tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân
Phú Yên có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt với tuyến Quốc lộ (QL) 1 nối liền Bắc - Nam; QL25, 29, 19C nối liền các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đây là một trong những lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong những năm qua, hàng loạt dự án giao thông lớn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau được triển khai và đưa vào sử dụng. Điển hình như Dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 66km. Nền đường rộng 20,5m, các đoạn đi qua đô thị rộng 21,5-22,5m, với 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Toàn tuyến được xây dựng dải phân cách, dải an toàn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Cũng nằm trên QL1, Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả vừa được thông xe và đưa vào sử dụng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi qua khu vực đèo Cả. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt, giao Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Hầm dài hơn 4km, gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30m; được trang bị hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn. Đây là một trong những dự án điển hình thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (Nhà nước và nhà đầu tư cùng phân phối thực hiện dự án). Hiện ô tô khi qua hầm chỉ mất 10 phút, so với trước rút ngắn hơn một giờ. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, công trình hầm đường bộ Đèo Cả góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến QL1, tạo đà phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch khu vực duyên hải miền Trung. Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ góp phần kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong, TP Nha Trang; kết nối các khu công nghiệp lân cận với các khu du lịch trong vùng.
Không chỉ các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ cũng từng bước được nâng cấp. Người dân các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa giờ đây đã có thể đi lại thuận tiện hơn trên tuyến đường Xuân Phước - Phú Hải. Toàn tuyến có chiều dài 33km, mặt đường bằng bê tông xi măng đi qua các xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), Phước Tân, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 794 tỉ đồng với nhiều nguồn vốn từ Quỹ Ả-rập - Xê-út tài trợ, ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Công trình này góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; tạo đột phá phát triển kinh tế khu vực phía tây của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều công trình khác như tuyến đường Phú Yên - Gia Lai, cầu Dinh Ông… cũng đang được triển khai thi công.
Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, thời gian qua, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn cũng được các địa phương triển khai rầm rộ. Trong năm qua, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn tại các địa phương thực hiện khá tốt; đã xây dựng và nâng cấp 95,18km đường, xây dựng 284,57km cầu, bảo trì 372km đường với tổng kinh phí thực hiện trên 284 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Sở GTVT Phú Yên tiếp tục phối hợp cùng Bộ GTVT triển khai xây dựng cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa (TP Tuy Hòa) với kinh phí thực hiện gần 500 tỉ đồng. Giao thông đường bộ ngày càng phát triển và hoàn thiện sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.