Nam Định: Siết chặt quản lý, bảo đảm an toàn bến khách ngang sông dịp Tết

Thứ năm, 01/02/2018 16:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong nhiều năm liền, giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ TNGT nào nhưng trong năm 2017 đã xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết.

Từ thực trạng trên cùng với nhu cầu tham gia giao thông đường thủy thường tăng đột biến vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, nên hiện nay ngành chức năng và các địa phương đang rà soát chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự, ATGT tại các bến khách ngang sông và toàn tuyến đường thủy.

Hành khách qua phà ở xã Hải Minh (Hải Hậu) không chấp hành quy định về sử dụng áo phao
hoặc dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy

Các địa phương có hệ thống đường thủy đều tập trung rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT tại các bến đò ngang. Tại huyện Nghĩa Hưng, qua đợt phối hợp kiểm tra, rà soát toàn bộ 26 bến khách ngang sông trong quy hoạch thuộc 14 xã ven các sông Đào, Đáy, Ninh Cơ vào các ngày 23 và 24/1/2018 của Phòng Công thương và Công an huyện cho kết quả: thực tế chỉ còn 22 bến hoạt động, 4 bến đã xin tạm dừng. Đặc biệt, trong số 22 phương tiện đang hoạt động tại các bến có 20 phương tiện đăng ký tại Nam Định và 2 phương tiện đăng ký tại tỉnh bạn. Có 4 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn; 3 bến có phương tiện hết hạn đăng kiểm. Trong đó, bến Gót Tràng xã Nghĩa Thắng thời hạn hoạt động theo giấy phép đến ngày 31/12/2017; từ tháng 8/2017, bến đã ngừng hoạt động và tiến hành đóng mới phương tiện, hiện đang hoàn tất các thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện và xin cấp phép hoạt động bến trở lại. Bến Đồng Liêu xã Nghĩa Lạc, phương tiện vận tải thủy đăng ký tại Ninh Bình nhưng đã hết hạn từ ngày 8/11/2017, ngay từ đầu tháng 10 đã liên hệ với tỉnh Ninh Bình nhưng đến nay phương tiện vẫn chưa được cấp phép; bến đã hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/12/2017 đến nay vẫn đang tiến hành thủ tục xin cấp phép hoạt động mới. Bên cạnh đó, trong đợt cao điểm kiểm tra, rà soát thực trạng hoạt động của bến khách ngang sông dịp trước Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân năm 2018, các dạng vi phạm kể trên cũng tồn tại ở một số địa phương khác. Tại một số bến khách ngang sông vẫn còn tình trạng vi phạm chở quá số khách theo quy định, chở ô tô dù không được phép. Riêng lỗi vi phạm hành khách không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi khi sang sông và chủ phương tiện cất áo phao, dụng cụ nổi ở nơi không thuận tiện, khó tháo ra để sử dụng trong tình huống cấp bách phổ biến ở hầu hết các phương tiện vận tải khách ngang sông.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng nguyên nhân tồn tại các lỗi vi phạm liên quan đến các quy định đảm bảo ATGT trong hoạt động vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn tỉnh trước tiên phải kể đến sự thiếu ý thức của chủ bến, chủ phương tiện trong chấp hành các quy định về cấp giấy phép hoạt động bến, đăng ký, đăng kiểm phương tiện định kỳ. Trong quá trình hoạt động người điều khiển, nhân viên phục vụ trên đò, phà còn chủ quan, lơ là, thiếu thận trọng trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy, nhất là việc chấp hành quy định chở đúng tải trọng, số người, chủng loại phương tiện theo cấp phép và hướng dẫn, kiểm soát hành khách chấp hành nghiêm quy định về mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi khi qua sông. Đa số hành khách khi tham gia giao thông đường thuỷ đều chưa thực sự chú ý đến nguy cơ TNGT vì thế thường chủ quan, không nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm ATGT theo quy định. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó UBND các xã, thị trấn là cấp chính quyền tổ chức đấu thầu và cho các doanh nghiệp, cá nhân nhận thầu phục vụ vận tải khách ngang sông nhưng lại chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý, chấn chỉnh vi phạm. Công tác giám sát thực hiện pháp luật của các lực lượng chức năng tuy đã được chú trọng nhưng điều kiện thực thi vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, do địa bàn quá rộng mà nhân lực có hạn nên lực lượng chức năng không thường xuyên, liên tục kiểm soát được hết các tuyến địa bàn. Việc xử lý các phương tiện chở quá tải quy định về hàng hóa hoặc số người thường chỉ dừng ở mức nhắc nhở, xử phạt và rất khó áp dụng biện pháp cưỡng chế bắt buộc do không đủ điều kiện bắt buộc hạ tải giữa sông, không có điều kiện để tạm giữ các phương tiện vi phạm.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thao, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT): Thực tế đã cho thấy, TNGT đường thủy tuy ít xảy ra hơn so với đường bộ nhưng nếu xảy ra thì hậu quả thiệt hại về người và tài sản thường rất lớn. Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ TNGT đường thủy có thể xảy ra, trong đợt cao điểm tập trung rà soát, kiểm tra trước, trong, sau Tết và lễ hội đầu xuân 2018, ngành GTVT sẽ xử lý “mạnh tay” để răn đe, phòng ngừa đối với các trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động bến, phương tiện và người lái như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phương tiện chở quá tải trọng cho phép. Đặc biệt, kiên quyết đình chỉ các bến, các phương tiện, người lái đang hoạt động không phép. Về lâu dài, ngành chức năng và các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ bến đò, phà, người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên đò, phà trong việc chấp hành quy định về bảo đảm mọi điều kiện hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn; trang bị thiết bị cứu sinh, dụng cụ nổi theo quy định; hướng dẫn hành khách lên, xuống phà an toàn; không chở quá tải trọng cho phép; tăng cường cảnh giới khi điều khiển phương tiện trong điều kiện thời tiết xấu. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy từ đó nâng cao ý thức chấp hành của các chủ phương tiện, người điều khiển và người dân tham gia vận chuyển, lưu thông trên đường thủy./.

kimcuc

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)