Tiến độ thi công Dự án mở rộng tỉnh lộ (ĐT) 608, đoạn Km4+714,82-Km7+956,54 đang được thúc đẩy để kịp thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4 năm nay, chính thức gỡ “nút thắt” cửa ngõ vào trung tâm phố cổ Hội An từ phía tây nam.
Cây chà là Trung Đông trồng trên vỉa hè dọc ven sông tạo cảnh quan chung
Nỗ lực từ nhiều phía
Công trình nâng cấp, mở rộng đường vào trung tâm du lịch phố cổ Hội An có tổng mức đầu tư 119,474 tỷ đồng (hợp đồng xây dựng chiếm 83,68 tỷ đồng). Quy mô đoạn tuyến dài 3,24km, bắt đầu từ ngã ba Lai Nghi đến ngã ba vào chùa An Lạc (đường Hùng Vương, TP Hội An). Nằm trọn trên địa bàn phường Thanh Hà, đoạn Km4+714,82 - Km7+200,33 có mặt cắt ngang rộng 20,5m (vỉa hè mỗi bên rộng 5m); đoạn Km7+200,33 - Km7+956,54 rộng 13,5m (vỉa hè mỗi bên rộng 3m). UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh là đại diện chủ đầu tư. Qua đấu thầu, liên danh Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Công ty CP Tư vấn thiết kế kiểm định xây dựng Minh Châu đảm nhận tư vấn giám sát dự án; Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đại Hồng Phúc cùng Công ty CP Xây dựng và thương mại 591 là liên danh xây dựng. Tháng 11/2016, công trình động thổ trên thực địa. Ngay sau khi khởi công, đại diện chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu tranh thủ tiến hành trên đoạn tuyến đã được địa phương bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ hợp đồng ký kết với chủ đầu tư (hết tháng 10/2018).
“Đây là tuyến giao thông huyết mạch qua các khu dân cư đông đúc, vừa là trục giao thông duy nhất nối trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn và TP Hội An, lại nằm trên lộ trình du lịch nối liền hai di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An với Khu di tích Mỹ Sơn. Chính vì vậy, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải là tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, phấn đấu hoàn thành công trình nhằm sớm đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân đi lại và thúc đẩy phát triển du lịch” - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, ông Nguyễn Thanh Tâm nói. Trong quá trình triển khai, tiến độ thực hiện của liên danh nhà thầu gặp trở ngại giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp vướng mắc phải tìm cách tháo gỡ đến tháng 10/2018 mới khơi thông. Địa phương bàn giao xong thì đúng thời điểm mưa kéo dài, lũ lụt. Vì vậy tranh thủ nắng ráo và có mặt bằng sạch, đơn vị thi công tăng ca, tăng giờ làm để đẩy nhanh tiến độ. Kết quả đến cuối tuần qua, sản lượng thực hiện riêng phần xây lắp đạt khoảng gần 80 tỷ đồng. Toàn bộ phần lòng đường được thảm nhựa; đoạn tuyến Km6+801.82 đến cuối dự án (dài 1,096km) do Công ty CP Xây dựng và thương mại 591 đảm nhận đã hoàn thiện hạng mục lát vỉa hè.
Thúc đẩy hoàn thiện
Theo kỹ sư Võ Như Quỳnh - Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Đầu tư và xây dựng Đại Hồng Phúc, doanh nghiệp đảm nhận thi công đoạn tuyến Km4+714,82 - Km6+801,82 (2,087km), chiếm gần 2/3 chiều dài dự án, đến thời điểm này hạng mục nền và mặt đường đã hoàn thiện. Thuộc phần lát vỉa hè, nhà thầu phấn đấu kết thúc trước ngày 25.4. Riêng sơn kẻ vạch mặt đường cũng sẽ triển khai xong trong nay mai, đáp ứng tiến độ phục vụ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4 này. Đối với hạng mục phát sinh ngoài dự án là kè ốp mái taluy, tạo điểm nhấn cảnh quan tại nút giao cảng cá với đường 28.3 vào làng gốm Thanh Hà, qua lễ 30.4 và 1.5 sẽ tiến hành. Để đến cuối tháng 5, dự án mở rộng đường vào trung tâm du lịch phố cổ sẽ chính thức hoàn tất, vượt tiến độ hợp đồng 5 tháng. Kỹ sư Nguyễn Đại Lợi (cán bộ Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3) - Trưởng tư vấn giám sát nhận xét, liên danh nhà thầu đã làm cuốn chiếu gọn gàng, tuân thủ quy trình kỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật và chất lượng công trình. Vừa thúc đẩy tiến độ, nhưng các nhà thầu vẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Ngoài ra các hạng mục như lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí và trồng cây xanh tiếp tục được đại diện chủ đầu tư thúc đẩy những nhà cung cấp khác tiến hành. Kỹ sư Phạm Thành Hạnh - cán bộ điều hành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, 430 cây hoàng hậu và 190 cây bằng lăng đã trồng xong trên vỉa hè. Riêng vỉa hè đoạn dài 500m phía ven sông (bên phải tuyến), 42 gốc chà là Trung Đông cũng được âm xuống đất. Trong khi đó, nhà cung cấp hiện đã tập kết thiết bị để triển khai lắp đặt 88 trụ điện chiếu sáng, 124 trụ điện trang trí. Trú tại khối phố Thanh Chiếm (phường Thanh Hà), ông Nguyễn Sàng phấn khởi: “Hộ tôi bị ảnh hưởng hơn 100m2 đất ở, nhiều gia đình khác cũng bị thu hồi diện tích đất không nhỏ nhưng ai nấy đều hưởng ứng chủ trương chung. Đường sá rộng rãi tạo nên cảnh quan khang trang cho khu dân cư, đảm bảo việc đi lại an toàn hơn”.