Hạ tầng đầu tư cho xe buýt Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động

Thứ tư, 20/06/2018 09:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 19/6, đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội về Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Mạng lưới tuyến xe buýt ngày càng hoàn thiện
và tăng cường tính kết nối đã tạo thuận lợi, thu hút người dân đi xe buýt

Là đơn vị chủ đạo của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có 8 đơn vị trực thuộc và 3 công ty cổ phần thực hiện vận hành 75/92 tuyến buýt nội đô, chiếm 81,5% tổng số tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn.

Theo báo cáo của Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật, sau khi có bước đột phá trong vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đạt đỉnh vào năm 2012 với 414,8  triệu hành khách, sau đó lượng hành khách đi xe buýt có dấu hiệu sụt giảm.

Thực hiện Đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ, từ năm 2016 đến nay, Tổng Công ty đã mở mới nhiều tuyến buýt, tăng cường kết nối các tuyến buýt, đặc biệt kết nối với tuyến buýt BRT, góp phần hoàn thiện mạng lưới xe buýt. Các tuyến mở mới đã mở rộng vùng phục vụ đến toàn bộ 30 quận, huyện của Hà Nội, không còn vùng trắng xe buýt; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân ngoại thành vào trung tâm thành phố, giảm áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được người dân và chính quyền nơi có tuyến buýt đi qua ủng hộ, đánh giá cao.

Đặc biệt, trong 2 năm qua, Tổng Công ty đã đầu tư 320 xe buýt mới để đổi mới và thay thế phương tiện. Việc điều hành và công nghệ phục vụ quản lý điều hành cũng có nhiều đổi mới hiện đại, thuận lợi. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ được tăng cường. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ và tiện ích cho hành khách đã được triển khai và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, dịch vụ mạng lưới xe buýt dù được cải thiện nhưng chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ của người dân. Hạ tầng, luồng tuyến thường bị xáo trộn, ảnh hưởng kết nối giữa các tuyến. Mạng lưới tuyến mới chỉ dừng lại ở các tuyến trục, thiếu các tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ kết nối các khu vực đông dân cư mà xe buýt hiện nay chưa tiếp cận được… Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện Đề án cũng còn những khó khăn, vướng mắc về luồng tuyến, dịch vụ; hạ tầng xe buýt; cơ chế chính sách, tài chính… 

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố, trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp, từ đào tạo con người cho tới đổi mới phương tiện, ứng dụng thông tin, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng của thành phố. Mặc dù số lượng hành khách giảm nhưng chất lượng dịch vụ và các mặt quản lý được nâng lên.

Theo ông Quân, hiện nay, hạ tầng đầu tư cho xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động. Tổ chức phương tiện mặc dù được đổi mới, nhưng số lượng xe đổi mới chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của vận tải hành khách công cộng vẫn còn hạn chế. Trên thực tế thành phố đã quan tâm đầu tư nhưng hiệu quả chưa như mong muốn…

Ông Nguyễn Nguyên Quân cho rằng trong thời gian tới, Tổng Công ty sẽ cùng với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại các nội dung của đề án; đánh giá kỹ thực trạng, dự báo chính xác các vấn đề đặt ra từ nay đến năm 2025. Trên cơ sở Nghị quyết 04 về hạn chế phương tiện giao thông và kết quả rà soát có phương án phát triển xe buýt phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành như hỗ trợ công nghệ thông tin vé điện tử; kết nối hệ thống điều hành giao thông của Tổng Công ty với các đơn vị khác...

nhunghv

Nguồn: Baotintuc.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)