Đắk Nông: Nhiều “điểm sáng” trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ hai, 25/06/2018 15:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến nay kết quả đạt được về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cho thấy khả năng chỉ tiêu về hạ tầng giao thông giai đoạn 5 năm (2016-2020) sẽ sớm về đích so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Vào năm 2015, toàn tỉnh có 3.413 km đường (gồm 428 km quốc lộ, 226 km tỉnh lộ, 497 km đường huyện, 165 km đường đô thị và 2.097 km đường xã, thôn, buôn, bon), trong đó tỷ lệ nhựa hóa đạt 53%. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, đến năm 2020, tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh phấn đấu đạt 64%.


Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
của địa phương phát triển

Những kết quả khả quan

Tháng 5/2016, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng chương trình hành động để cụ thể nghị quyết của Đảng, kế hoạch UBND tỉnh với mục tiêu từng bước đồng bộ hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển và an sinh xã hội. Ngành giao thông xác định phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ và hợp lý, trong đó ưu tiên công tác cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện có theo hướng từng bước hiện đại.

Vào thời điểm Sở GTVT ban hành chương trình hành động, 90% quốc lộ đã được nhựa hóa. Các tuyến tỉnh lộ đã được nhựa hóa 100% nhưng tỷ lệ mặt đường 2 làn xe chỉ đạt 37%, khả năng chịu tải nhỏ. Hệ thống đường huyện có tổng chiều dài 497 km nhưng tỷ lệ cứng hóa mới đạt 80%. Riêng hệ thống đường xã, thôn, buôn, bon có tổng chiều dài 2.097 km mới chỉ bê tông hóa được 35%. Nhiệm vụ cụ thể của ngành giao thông là đến năm 2020 sẽ nhựa hóa 100% quốc lộ, nâng tỷ lệ tỉnh lộ có 2 làn xe lên 59%, cứng hóa 100% hệ thống đường huyện và 50% đường xã, thôn, buôn, bon.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ (năm 2016), toàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp được 136 km đường (gồm 8 km quốc lộ, 20 km đường huyện, 8 km đường đô thị và 100 km đường xã, thôn), nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh lên 57%, trong đó đường huyện nhựa hóa đạt 84%. Năm 2017, toàn tỉnh xây dựng mới và nâng cấp được 96 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa toàn tỉnh lên 59%. Ước 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xây dựng mới và nâng cấp được 33 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa toàn tỉnh lên 59,7% (trong đó tỷ lệ nhựa hóa đường huyện đạt 88,6%).

Theo Giám đốc Sở GTVT Võ Văn Hùm, việc phân cấp, quản lý đầu tư công trình giao thông hiện nay được thực hiện theo luật Xây dựng năm 2014. Sau khi UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, các dự án đầu tư xây dựng giao thông trên địa bàn tỉnh được giao cho ban chuyên ngành này và UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với BQLDA chuyên ngành và các địa phương để nắm bắt số liệu, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Qua rà soát kế hoạch trung hạn và báo cáo của các địa phương, Sở GTVT cho rằng khả năng nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh lên 64% vào năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được.

Tập trung nguồn lực cho giao thông nông thôn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nhìn chung, tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp và phần lớn các công trình đã hết niên hạn sử dụng. Do thiếu kinh phí thực hiện trùng tu, đại tu nên nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Giao thông đi lại của một số xã như: Đắk Ngo (Tuy Đức), Quảng Hòa (Đắk Glong) và Buôn Choáh (Krông Nô) còn rất khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa.

Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh tăng từ 53% lên 59,7%, tỷ lệ nhựa hóa đường huyện tăng từ 80% - 88,6%. Theo Sở GTVT, việc thực hiện chỉ tiêu nhựa hóa đường tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua đạt được kết quả cao và mục tiêu đạt 61% kế hoạch cả nhiệm kỳ trong tầm tay. Tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường huyện vẫn còn thấp là do danh mục đầu tư một số công trình nằm trong kế hoạch trung hạn, đến nay mới cơ bản hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng.

Theo ông Võ Văn Hùm, thời gian tới, cùng với việc đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng, ngành giao thông sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý và bảo trì, nâng cao hiệu quả khai thác toàn bộ hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh. Để làm được việc này, tỉnh cần phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư bằng các nguồn vốn khác. Các huyện, thị xã cũng cần tăng cường vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi vì, nếu như các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã nằm trong kế hoạch vốn trung hạn thì giao thông nông thôn có thể linh động tùy thuộc và nguồn lực của địa phương và huy động doanh nghiệp, dân cư. Đây cũng là cấp đường quan trọng nhằm đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Hơn thế, việc tập trung nguồn lực xây dựng giao thông cấp xã, thôn, bon sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thiện các chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng nông thôn mới...

kimcuc

Nguồn: Báo Đắk Nông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)