Cầu Bách Lẫm - cây cầy bắc qua sông Hồng được thông xe sẽ trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong tỉnh và Thành phố Yên Bái; là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương Yên Bái trên chặng đường phát triển trong thời gian tới.
Toàn cảnh cầu Bách Lẫm.
Sông Hồng từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam trên hành trình dài 510 km và được con người tô điểm cho dòng sông này thêm hùng vĩ bằng những cây cầu lớn. Trong đó, có những cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa phận thành phố Yên Bái, đã tạo nên vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan của đô thị tỉnh lỵ.
Dự kiến vào ngày 30/6/2018, cầu Bách Lẫm chính thức thông xe. Từ đây, sẽ giảm tối đa sự cách trở giao thông của các xã phía bên kia sông Hồng đi vào trung tâm thành phố. Cùng với đó, vào cuối quý III năm nay, cầu Tuần Quán cũng sẽ khánh thành trong niềm hân hoan chờ đón của người dân. Hai cây cầu mơ ước này, sẽ hứa hẹn tạo điểm nhấn hạ tầng, kết nối thông thương, tạo trục động lực phát triển kinh tế của thành phố Yên Bái.
Nếu xét về mặt khoảng cách thì hai xã Giới Phiên và Phúc Lộc chỉ cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 500 m. Thế nhưng, bao đời nay người dân hai bên có sự chênh lệch khá lớn về điều kiện sống do bị ngăn cách bởi dòng sông Hồng. Muốn qua lại, người dân phải đi đò và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt vào mùa lũ. Còn nếu đi đường bộ, người dân phải ngược lên phía thượng nguồn rồi qua cầu Yên Bái vào trung tâm thành phố hoặc xuôi theo phía hạ lưu qua cầu Văn Phú quay ngược trở lại khoảng 15 km.
Giao thông cách trở là vậy nên kinh tế phía bên kia sông Hồng bao năm qua vẫn chưa có bước đột phá và cuộc sống người dân nơi đây đa phần khó khăn. Nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh vẫn trăn trở và bao người dân luôn mơ ước có một cây cầu kết nối giao thương giữa hai vùng.
Và bao nỗi khát khao ấy, nay đã thành hiện thực. Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2018) và chuẩn bị cho lễ khánh thành cây cầu dây văng đầu tiên của tỉnh Yên Bái, khiến biết bao người háo hức chờ đợi sự kiện này.
Bà Đinh Thị Thái ở thôn 4, xã Giới Phiên năm nay đã 88 tuổi được người cháu gái dẫn đi thăm cầu, cho biết: "Tôi quê gốc ở Thái Bình lên đây từ năm 16 tuổi. Trước đây, khu vực này hoang vắng lắm. Muốn về quê thăm người thân bằng xe khách, tàu hỏa hay đi chợ bán mớ rau, nải chuối thì phải sang đò nên khó khăn vất vả vô cùng. Khổ nhất, vẫn là những buổi chợ cuối năm. Người đông, hàng nhiều nên có khi phải đợi vài tiếng đồng hồ mới đến được chợ. Nếu muốn nhanh thì phải đi bộ hàng chục cây số vòng lên phía đầu tỉnh qua cầu Yên Bái. Bây giờ, Nhà nước đầu tư làm cây cầu này, tôi rất vui vì khi hoàn thành, gia đình tôi và người dân trong xã chỉ một loáng là đã sang đến trung tâm thành phố".
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: cầu Bách Lẫm có vị trí chiến lược quan trọng trong việc kết nối hai bên tả ngạn - hữu ngạn sông Hồng của thành phố Yên Bái và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh. Công trình được xây dựng sẽ là trục giao thông quan trọng để kết nối hệ thống giao thông thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; kết nối hạ tầng của thành phố hai bên sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thành phố Yên Bái theo quy hoạch. Công trình sẽ là điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch xây dựng thành phố Yên Bái thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và góp phần thực hiện mục tiêu đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II trước năm 2020. Đây cũng là cây cầu có hai trụ dây văng đầu tiên của tỉnh Yên Bái vượt sông Hồng. Cây cầu sẽ tạo một nét mới vừa mạnh mẽ vừa hiện đại, tô điểm cho cảnh quan thành phố.
Chính vì vậy, ngay khi dự án được triển khai, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Nhiều hộ sẵn sàng di dời nhà cửa, nhường đất sản xuất cho các đơn vị thi công. Là một hộ dân phải di dời, nhưng ông Đặng Ngọc Khang ở thôn 4, xã Giới Phiên không giấu được niềm vui trong những ngày trọng đại này.
Ông cho biết: "Nghe tin Nhà nước sẽ làm cầu ở đây, người dân chúng tôi vui lắm! Nên ngay khi địa phương và các ngành thông tin về giải phóng mặt bằng lấy đất để làm cầu là chúng tôi đồng ý ngay. Riêng nhà tôi, khi có kế hoạch giải phóng mặt bằng đã không trồng cây màu nữa mà bàn giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công”. Trên cơ sở tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, công trình cầu Bách Lẫm kết nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư 512 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án có điểm đầu gắn vào ngã tư Cao Lanh (đầu đường Nguyễn Thái Học thuộc địa phận phường Yên Ninh), điểm cuối của dự án giao với dự án quốc lộ 32C (mới) tại lý trình Km92 + 9 87,24 thuộc khu vực UBND xã Giới Phiên. Cầu thiết kế vĩnh cửu, sử dụng dầm cáp hỗn hợp Extradosed bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng thiết kế HL93.
Chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố L là 435,5m gồm 7 nhịp, bề rộng toàn cầu là 18 m cho nhịp chính và 16 m cho nhịp dẫn. Hai mố và các trụ đỡ các nhịp dẫn, trụ chuyển tiếp, trụ chính bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi. Cầu có hai trụ tháp T3 và T4 với chiều cao trụ tháp 20 m tính từ mặt cầu và một mặt phẳng dây văng, khổ thông thuyền qua sông cấp III, cầu chịu được động đất cấp VII.
Sự kiện cầu Bách Lẫm được thông xe sẽ trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong tỉnh và thành phố Yên Bái; là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương Yên Bái trên chặng đường phát triển trong thời gian tới. Công trình sẽ là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đồng thời, mở ra điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu trung tâm dịch vụ - thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu hành chính thành phố Yên Bái và khu công nghiệp tại các xã hữu ngạn sông Hồng thông qua tuyến đường ngang nối quốc lộ 37, tuyến đường tránh ngập, quốc lộ 32C và tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.