Hòa Bình: Giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm

Thứ ba, 17/07/2018 08:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hòa Bình đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển KT -XH. Trong đó, nguồn vốn bố trí cho các dự án giao thông cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các dự án phải hoàn thành vào năm 2020, tuy vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm so với yêu cầu đặt ra.

Thực hiện dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL 12B đi QL 1, huyện Yên Thủy
mới bàn giao mặt bằng được 700 m cho nhà thầu thi công, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 435 Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối phương thức vận tải đường thủy và đường bộ, tạo động lực mới thu hút đầu tư, thúc đẩy KT -XH các xã trong khu vực, tiềm năng, phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 30/8/2017, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn đối ứng tỉnh 56 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến đã điều chỉnh là 21,18 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III - miền núi; điểm đầu tại ngã ba Bình Thanh đi Thung Nai, huyện Cao Phong; điểm cuối thuộc địa phận xóm Liêm, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc.
 
Đến nay, nguồn vốn đã được giao cho dự án là 630 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 150 tỷ đồng, năm 2018 là 480 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu dự án. Số hộ dân bị ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất tương đối lớn, công tác kiểm kê mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ gia đình chưa cung cấp và chứng minh đầy đủ các giấy tờ về đất, tài sản trên đất dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất, diện tích sử dụng đất, giá trị công trình của các hộ bị ảnh hưởng hết sức khó khăn, phức tạp. Hiện, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư hai huyện Cao Phong, Tân Lạc đang hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ để công khai niêm yết và trình phê duyệt cho các hộ bị ảnh hưởng. Về công tác GPMB, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo trước ngày 30/9/2018 bàn giao tối thiểu 50% mặt bằng sạch theo chiều dài tuyến đường và hoàn thành toàn bộ công tác đền bù GPMB sạch theo chiều dài tuyến đường.
 
Đối với dự án đường 435 (Thái BìnhT - Thung Nai) có tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng, chiều dài 10,2 km, từ ngã ba chân dốc Cun, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đi xã Bình Thanh (Cao Phong) được khởi công từ cuối năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Thực hiện dự án có khoảng hơn 500 hộ bị ảnh hưởng, trong đó phường Thái Bình trên 200 hộ, xã Bình Thanh 300 hộ. Riêng địa phận phường Thái Bình phải bố trí khu tái định cư. Hiện tại, công tác GPMB chậm so với yêu cầu tiến độ. Đơn vị thi công đang thi công đào đắp tại một số đoạn với tổng chiều dài khoảng 2,9 km, là đoạn đã được bàn giao mặt bằng. Dự án đang chuẩn bị trả tiền đền bù cho các hộ dân tại những vị trí khác.
 
Đối với dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL 1 được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 28/3/2017, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2018, tiến độ GPMB rất chậm, mới bàn giao cho đơn vị thi công được 2, 17 km. Tại địa bàn huyện Lạc Sơn cơ bản đáp ứng yêu cầu thi công. Đối với địa bàn huyện Yên Thủy dài 8,87 km, mới hoàn thành GPMB được 700 m, đạt 7,89%, chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, UBND tỉnh chỉ đạo công tác GPMB tối thiểu đạt 80% khối lượng theo chiều dài tuyến trước ngày 30/6/2018.
 
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, Sở GTVT Hòa Bình đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khi có dự án đi qua phải thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kiện toàn tổ chức phục vụ công tác GPMB; bố trí cán bộ chuyên trách có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác GPMB. Riêng về đất đai, đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở chuyên ngành thực hiện ngay công tác rà soát cấp bìa cho các hộ dân (đặc biệt các hộ nằm sát trục đường). Vì hạng mục này chiếm rất nhiều thời gian trong tổng số thời gian xác định nguồn gốc đất. Chính quyền các cấp tăng cường đầu tư cho công tác QLNN về đất đai, thiết lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đầy đủ, chính xác để thuận lợi cho công tác kiểm kê, kiểm đếm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cấp có thẩm quyền sau khi Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kiểm đếm xong cho phép tạm ứng mặt bằng thi công và ứng kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ 50 - 70% giá trị dự toán để có mặt bằng thi công trước.
 
Chính quyền các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các trường hợp lấn chiếm đất, chuyển mục đích xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là đất đã quy hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân để nhân dân biết và chấp hành; phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... trong công tác bồi thường GPMB.
 
Sở GTVT cũng đề nghị: UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm xây dựng thêm các khu tái định cư đồng bộ, đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Bố trí đủ, kịp thời kinh phí bồi thường, hỗ trợ để chi trả cho người bị thu hồi đất và giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân về bồi thường, GPMB một cách kịp thời. Nếu phát hiện các quy định chưa hợp lý cần kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

toanld

Nguồn: Báo Hòa Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)