Là dự án tiêu biểu, mở đầu cho giai đoạn phát triển hạ tầng giao thông mới của Quảng Ninh, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến nay cơ bản hoàn thành và sẵn sàng đưa vào hoạt động trong tháng 9 tới đây. Để có thành công này, Quảng Ninh đã nỗ lực vượt qua nhiều thử thách.
Dự án với quá nhiều cái khó
Vốn - Đó là vấn đề mà lãnh đạo các bộ, ngành đề cập đến cách đây 5 năm, khi lần đầu tiên Quảng Ninh báo cáo với Chính phủ được tự làm đường cao tốc. Bởi từ trước đến nay, làm cao tốc, vốn là nhiệm vụ của Bộ GTVT, nằm trong danh mục chi từ ngân sách Trung ương...
Chứng minh cho cơ sở về nguồn vốn để làm đường cao tốc, Quảng Ninh đã nêu rõ các dự định. Tỉnh đã tích lũy 2.880 tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 800 tỷ đồng, vượt thu năm 2013 là 600 tỷ đồng và kinh phí do Bộ GTVT vay 1.480 tỷ đồng), số tiền còn lại sẽ tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh thực hiện dự án. Đề xuất của Quảng Ninh trong bối cảnh nguồn vốn bố trí cho các công trình giao thông của Nhà nước còn đang hạn hẹp, vì thế đã nhanh chóng được Chính phủ chấp thuận.
Ngày 13/9/2014, tại vị trí đầu tuyến thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long, Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được chính thức phát lệnh khởi công, mở đầu cho chuỗi các dự án giao thông trọng điểm của Quảng Ninh sau này với tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến trên 30.000 tỷ đồng, như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và thời gian tới là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Xử lý đất yếu bằng công nghệ bấc thấm tại cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Quảng Ninh nhanh chóng bắt tay vào triển khai cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với hy vọng sẽ sớm hoàn thành, là động lực quan trọng, “cánh cửa mở” để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược về Quảng Ninh triển khai các dự án giao thông. Tuy nhiên, những quyết tâm sớm về đích, những cố gắng chuẩn bị cho dự án điểm đã bị chững lại bởi liên tiếp gặp nhiều khó khăn.
Đó là: Cả dự án dài 19,8km, trong đó có đến 6,9km đường thi công trên nền đất yếu là đầm lầy, ao hồ và hang Karst có kết cấu phức tạp. Đặc biệt, đoạn qua Đầm nhà Mạc có chỗ sâu 25m là bùn, đất yếu. Đối với các cầu cũng không hề dễ dàng, cầu sông Chanh nằm trong top cầu có khẩu độ nhịp đúc hẫng dài, lên đến 130m, lần đầu tiên thi công tại Quảng Ninh và cũng là một trong những cầu thi công phức tạp trong toàn quốc thời điểm bấy giờ. Cầu sông Hốt thiết kế đặt trên hệ 219 cọc khoan nhồi, đường kính 2m thì có đến 114 cọc khoan nhồi nằm trên hang Karst. Cá biệt, tại vị trí trụ P10 có 5 tầng hang Karst, thời gian thi công kéo dài mất một năm. Cầu Bình Hương phải điều chỉnh thiết kế so với ban đầu do thủy triều vượt ngưỡng...
Ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc BQL dự án, người gắn bó với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng từ những ngày đầu tiên, cho biết: Thời gian đầu triển khai, có thời điểm, cán bộ, nhà thầu trên công trường tương đối chán nản. Tại gói thầu thi công cầu sông Hốt, do quá nhiều yếu tố phức tạp, nhà thầu phải để lại nguyên cả bộ thiết bị khoan nhồi cọc trị giá gần 2 tỷ đồng dưới lòng đất do gặp phải hang Karst; các gói thầu đường, thiết bị nhà thầu tập kết về công trường, song không có diện mặt bằng để thi công do thời gian chờ tắt lún kéo dài cả năm...
Trước thực tế đó, những cán bộ được tỉnh giao nhiệm vụ giám sát đã luôn đồng hành, động viên nhà thầu và tìm cách tháo gỡ, tham mưu với tỉnh, Bộ GTVT xin những điều chỉnh mới cho phù hợp với thực tế thi công. Cán bộ trong BQL dự án đã tìm gặp thầy Nguyễn Bửu, chuyên gia đầu ngành về kết cấu mặt đường để nhờ tư vấn. Từ những gợi ý của thầy, chúng tôi đã tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu, báo cáo, thuyết phục UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT thay đổi phương án kết cấu mặt đường so với ban đầu theo hướng, giảm lớp cấp phối đá dăm, tăng thêm lớp nhựa polyme, novachip để tăng tính kết cấu khi thi công trên nền đất yếu mà không làm đội giá công trình...
Những khó khăn trong thi công cao tốc Hạ Long - Hải Phòng cũng từng bước được khắc phục. Công trình không chỉ đảm bảo các yếu tố chất lượng, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao, mà còn không làm phát sinh giá, ngân sách nhà nước.
Mở hướng cho các dự án giao thông ngoài ngân sách
Nhìn bức tranh tổng thể về hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này có thể thấy đang từng bước được hoàn thiện. Đó là hệ thống cảng biển được nâng cấp và mở rộng, có cảng khách quốc tế Hòn Gai đón được tàu với sức chở lớn nhất thế giới (khoảng 6.000 khách); hệ thống đường cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; sở hữu sân bay tư nhân đầu tiên (sẽ bay thương mại dự kiến vào cuối tháng 12 tới). Không chỉ tăng tính tiện ích, kết nối, các dự án giao thông còn biến những vùng đất vốn hoang hóa, trở thành khu công nghiệp, khu đô thị hấp dẫn như: Đầm nhà Mạc (TX Quảng Yên), thành phố thông minh (TP Hạ Long), KKT Vân Đồn...
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã hoàn thành thi công, chính thức đưa vào sử dụng trong tháng 9/2018
Có được sự thay đổi này, vai trò của tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không hề nhỏ. Với hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư khởi động dự án, Quảng Ninh đã nhận được số vốn hơn 30.000 tỷ đồng ngoài ngân sách để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông tiếp theo. Giai đoạn hiện tại, các công trình giao thông động lực đang hình thành, việc thu hút đầu tư về Quảng Ninh vẫn tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng, với các loại hình đầu tư phong phú.
Cao tốc đầu tiên của Quảng Ninh không chỉ mang ý nghĩa là dấu ấn lịch sử, khởi đầu cho phát triển hạ tầng giao thông Quảng Ninh mới, mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đó là giải quyết dứt điểm bài toàn khó về hạ tầng giao thông mà tỉnh đã tìm cách tháo gỡ lâu nay. Tuyến đường còn đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội là 180km hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm 2/3 (từ 75km còn 25km).
Đây cũng là minh chứng cho sự mạnh dạn, tư duy đổi mới của Quảng Ninh, là cú hích quan trọng để tỉnh tiếp tục kêu gọi, huy động được nguồn lực đầu tư lớn nhằm phát triển Quảng Ninh nhanh và bền vững.